Chọn điểm hỗ trợ để tăng trưởng dương
Bất chấp khó khăn, ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tốt | |
Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế | |
Hai kịch bản tăng trưởng 2020: Nhiều khả năng đạt 3,5% |
Tăng trưởng không âm là một cố gắng rất lớn
Đại dịch bệnh Covid-19 quay lại đã đẩy nền kinh tế đứng trước khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều khi mà những khó khăn của đợt dịch trước vẫn chưa được hóa giải, tình trạng phổ biến là sản xuất cầm cự, hàng hóa tồn đọng, tiêu dùng thắt lại, đầu tư không dám mạo hiểm… Hồi tháng 4, tháng 5 Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng khoảng 5%; nhưng sang đến tháng 6, kỳ vọng tăng trưởng chỉ hơn 4% và hiện Chính phủ xác định kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 2 – 3%. Thậm chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ nói rằng, trong bối cảnh khó khăn thì không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Dự báo về tăng trưởng của các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đưa ra cũng thấp dần và trước tình hình hiện nay đã có những lo lắng “không khéo, năm nay có thể rơi vào tăng trưởng âm”.
Ảnh minh họa |
Ưu tiên hàng đầu hiện nay là chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô. Vì thế, theo góp ý của các chuyên gia nếu quá “sợ hãi” thì nền kinh tế cũng sẽ đứt gãy nhưng nếu mở cửa nền kinh tế sớm thì cũng không được vì dịch bệnh trên thế giới vẫn đang rất căng thẳng. “Lúc này cần đưa ra những giải pháp hợp lý nhất, cân bằng, đủ quyết liệt, gọn gàng trong cách chống dịch nhưng nền kinh tế không bị tê liệt”, TS.Võ Trí Thành – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và các chuyên gia nêu ý kiến.
Tuy vậy, TS.Võ Trí Thành tin tưởng với những điểm sáng của nền kinh tế mới xuất hiện và với những động thái điều hành mới của Chính phủ, đầu tư công được thúc đẩy và sớm có gói kích thích kinh tế mới thì nền kinh tế không quá u ám, sẽ vẫn tăng trưởng dương. Điểm sáng đó là dù gặp nhiều thách thức nhưng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn tương đối ổn định, ngân sách được giữ vững, lạm phát được kiểm soát tốt, hệ thống tài chính ổn định. Bên cạnh đó xuất khẩu vẫn tăng 6,5%; đầu tư công đã giải ngân được 50,7% và nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,4%...
Chọn bên thắng cuộc
Để nền kinh tế không đứt gãy, không tê liệt, một gói hỗ trợ và kích thích kinh tế mới cũng đã được bàn đến. Các chuyên gia nhấn mạnh, gói kích thích mới này cần được triển khai nhanh và quy mô đủ lớn, có điểm nhấn, đúng đối tượng mới có thể hỗ trợ được nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay. TS.Võ Trí Thành tin rằng nếu có được các chính sách bảo vệ được các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, DNNVV, một số DN hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19... thì kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tăng trưởng thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái; và tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở khoảng 2%.
Các chuyên gia cho rằng gói kích thích kinh tế mới phải tính dài hơi sang cả năm 2021 đồng thời phải tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, chứ không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay mà còn phải bắt nhịp được với các xu hướng cải cách, xu hướng phát triển công nghệ như: công nghệ 4.0, chuyển đổi số hay cách sống mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị; sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư…
Cũng dự báo “tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn thấp, loanh quanh ở ngưỡng 2%”, song TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng “cần phải sớm có chính sách đủ mạnh và quyết liệt để kích thích kinh tế, để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng GDP tối đa có thể. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các kết quả trước mắt như tăng trưởng GDP năm nay không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế”. Vì thế, chính sách cũng cần phải bài bản, đồng bộ, dài hạn với hai định hướng. Một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế. Hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời. “Chính sách còn phải tính đến việc tận dụng cơ hội mới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Trong đó có giải pháp cần phải làm ngay và rất khả thi đó là lúc này cần bỏ khoản đóng phí công đoàn”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm gói kích thích kinh tế mới phải có “trọng điểm” của TS.Võ Trí Thành, TS. Cung dẫn ra nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey cho thấy có những ngành phải mất 5 năm mới hồi phục được như chế biến chế tạo, vận chuyển và kho bãi, dịch vụ giáo dục, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ giải trí nghệ thuật, sáng tạo và các dịch vụ khác. Song cũng có những ngành đã tốt thì nay càng tốt hơn đó là ngành công nghiệp bán dẫn, ngành phần mềm, dược phẩm, công nghệ phần cứng, viễn thông, truyền thông... “Trong khi nguồn lực có hạn không thể hỗ trợ tất cả, thì gói hỗ trợ lần này nên ưu tiên tới người lao động và nhóm người bị tổn thương, hỗ trợ những DN ở bên thắng cuộc khi dịch bệnh qua đi”, ông Cung nêu quan điểm.