Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Vì sao gói hỗ trợ lần đầu không hiệu quả? | |
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn | |
Gói phục hồi kinh tế lần 2: Phải nhanh và đúng trọng điểm |
Nhiều gói tín dụng ưu đãi
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mới đây Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục có văn bản yêu cầu các TCTD tập trung giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân theo quy định.
Quan sát trên thị trường, nhiều ngân hàng đang rất nỗ lực tung ra các gói tín dụng để hỗ trợ tốt hơn cho DN, người dân. Như VietinBank có chương trình ưu đãi VietinBank SME Stronger; Sacombank dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN phục hồi và phát triển kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Bac A Bank cải thiện, bổ sung nhiều ưu đãi mới đối với sản phẩm cấp tín dụng cho khách hàng DN ngành dược phẩm, vật tư và thiết bị y tế… Khách hàng là DN hoạt động trong nhóm ngành dược - y tế được giảm tối đa 0,9% lãi suất khi vay vốn lưu động so với quy định lãi suất hiện hành.
ABBank đưa ra hai gói sản phẩm dành cho khách hàng là DN siêu nhỏ đều được thiết kế mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lên đến 99% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn cấp tín dụng tối đa 120 tháng. BaoViet Bank giảm lãi suất lên tới 1%, giảm 50% phí trả nợ trước hạn cho khách hàng DN vay mua ô tô, SME, tài trợ dự án; với khách hàng cá nhân được giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, giảm 1%/năm lãi suất cho vay kỳ đầu với vay trung hạn, giảm 50% phí trả nợ trước hạn. LienVietPostBank đưa ra chương trình “Cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất kinh doanh” với mức giảm lãi suất lên đến 0,5%/năm.
Thiết kế, may đo chương trình tín dụng phù hợp để khách hàng sớm phục hồi sau dịch |
Chia sẻ về hỗ trợ của SHB đối với DN, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỷ đồng đang thực hiện trên toàn quốc, từ đầu tháng 8/2020, SHB triển khai Chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu và mới gặp khó khăn bởi dịch. “Ngân hàng cũng hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra nhằm giúp DN giảm phụ thuộc vào các thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lê cho hay.
Không chỉ các ngân hàng nội mà cả các ngân hàng ngoại cũng tích cực vào cuộc để hỗ trợ khách hàng. Đơn cử Standard Chartered vừa cung cấp cho một số DN khoản tín dụng (nằm trong khoản giải ngân từ gói tài chính toàn cầu 1 tỷ USD của ngân hàng này) làm vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải nhằm đáp ứng nhu cầu thiết bị bảo hộ cá nhân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, trong đó cấp cho TCT May 10 khoản tín dụng có hạn mức 100 tỷ đồng); CTCP Tecomen nhận được khoản tín dụng hạn mức 40 tỷ đồng; CTCP TCT May Bắc Giang nhận được khoản tín dụng hạn mức 63 tỷ đồng.
Cung ứng đủ vốn, đảm bảo an toàn hoạt động
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tung ra nhiều chương trình tín dụng được “thiết kế, may đo” phù hợp với các đối tượng DN, nhưng cũng phải thừa nhận sức hấp thụ vốn của DN vẫn còn hạn chế. Theo NHNN, đến ngày 28/7 tín dụng mới chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,48% của cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đó, đã có ý kiến cho rằng ngân hàng nên nới lỏng hơn các điều kiện để thúc đẩy tín dụng. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, “hỗ trợ tín dụng là cần thiết, nhưng vì sự ổn định lâu dài, bắt buộc phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây. Hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế”.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhiều lần khẳng định, ngành Ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, những tiêu chuẩn, điều kiện vì yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
CEO một NHTM chia sẻ, không hạ chuẩn cho vay, nhưng ngân hàng sẽ nghiên cứu để đưa ra những phương án giải ngân tốt nhất, nhanh nhất cho khách hàng. Ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc VietinBank cho hay, ngân hàng này đã chủ động điều tiết, cân đối vốn trong 2 quý đầu năm 2020 và sẽ tiếp tục điều hành theo hướng tăng cường huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, thay thế nguồn chi phí cao. Đi cùng với tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn lực và cơ sở để có thể giảm thêm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo an toàn trong cấp tín dụng, nhưng toàn ngành Ngân hàng, trong đó các TCTD đều đang rất nỗ lực để có những giải pháp hữu hiệu gỡ khó cho DN, khách hàng. Trên cơ sở kiến nghị của các DN, hiệp hội trong các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức tại nhiều địa phương thời gian qua, NHNN đang khẩn trương xem xét, nghiên cứu để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng hơn điều kiện cơ cấu, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho DN, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sửa đổi Thông tư 05/2020/TT-NHNN về tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch cho phù hợp.
Cơ quan quản lý cũng vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN theo hướng lùi lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng thêm 1 năm. Giới chuyên gia đều đồng quan điểm, động thái này của NHNN sẽ tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.