Chọn thị trường mục tiêu cho du lịch cộng đồng
Giúp xóa đói - giảm nghèo
Du lịch cộng đồng tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam, đến nay đã mở rộng trên khắp đất nước. Năm 2020, toàn quốc có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100 nghìn khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn.
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), loại hình này đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương thông qua việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói - giảm nghèo, đặc biệt ở một số địa phương có lợi thế… Bên cạnh đó, du lịch động đồng đã giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.
Xây dựng du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp |
Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đã được công nhận và một số điểm du lịch đã được hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ chức để quản lý. Hàng năm, Thừa Thiên - Huế đón được khoảng 300 nghìn lượt khách đến với loại hình du lịch cộng đồng, với doanh thu ước đạt 100 tỷ đồng/năm. Nhiều lao động ở vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định và chuyển dịch sinh kế sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đã ban hành các tiêu chuẩn làm căn cứ cho việc quản lý và định hướng nâng cao chất lượng cho loại hình du lịch này như Tiêu chuẩn quốc gia nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2009 được ban hành năm 2009 và điều chỉnh, bổ sung năm 2017. Trong khu vực ASEAN cũng đã có Tiêu chuẩn homestay ASEAN ban hành năm 2014, hay Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN ban hành năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, làm theo phong trào, thiếu chuyên nghiệp… đặc biệt là việc liên kết thúc đẩy hỗ trợ phát triển loại hình này tại các địa phương.
Còn nhiều rào cản
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch cộng đồng là loại hình được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, khai thác, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Tuy nhiên, do chưa có những hướng dẫn, quy định cụ thể, nên mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, ban hành chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng khác nhau nên hiệu quả đem lại chưa cao.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa kích thích người dân mạnh dạn tham gia, nhiều người dân muốn triển khai phục vụ khách du lịch nhưng chưa thể làm hoặc còn lúng túng. Đến nay, sự hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng chủ yếu tập trung vào đào tạo, tập huấn, trong khi người dân cần có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư nhằm làm phong phú dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách.
Thêm vào đó, những rào cản kìm hãm sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Việt Nam còn phải kể đến trình độ học vấn thấp; thiếu vốn, kỹ năng, kiến thức, thiếu minh bạch cũng như phân phối lợi ích không đồng đều, thiếu một khuôn khổ chính sách phù hợp để hỗ trợ việc phát triển tri thức cộng đồng. Đặc biệt, điểm yếu của phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam là tự phát, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc, phát triển ồ ạt và chưa giải quyết tốt mối quan hệ với các ngành nghề khác; các mô hình na ná nhau, sản phẩm cũng na ná nhau.
Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng nhiều nội dung được đề xuất nhằm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp như hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã đặt giải pháp lựa chọn thị trường mục tiêu lên hàng đầu. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng là khách nội địa trẻ tuổi như những hội nhóm nhiếp ảnh, dân “phượt”, những doanh nhân năng động, những người sống ở các đô thị… và khách nước ngoài là những người làm việc tại các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, những người làm trong các tổ chức quốc tế từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp.
“Quan trọng là tạo được cơ chế, chính sách để người dân tham gia và thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả loại hình du lịch này”, ông Nguyễn Quý Phương chia sẻ.