Chủ tịch Hiệp hội DNNVV: Cần phối hợp với ngân hàng để chính sách đến đúng đối tượng
Bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt và thanh toán của nền kinh tế | |
Ngành Ngân hàng: Các chính sách đang hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp và người dân |
Thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam |
Ông đánh giá như thế nào về các chính sách ngành Ngân hàng đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Với các DNNVV thì nguồn lực vốn là một trong những yếu tố mang đến sự quyết định thành công hay không. Vì vậy, các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được chúng tôi đón nhận và đánh giá cao.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí đóng cửa, nhưng đây cũng là khó khăn của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhận biết được các khó khăn của doanh nghiệp nên ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực, ban hành nhanh các giải pháp như cơ cấu lại khoản nợ, thậm chí giảm lãi suất cho vay của cả khoản vay mới và nợ cũ... Chúng tôi hiểu ngân hàng cũng là DN nên trong hoàn cảnh này DN càng đánh giá cao sự hỗ trợ của ngân hàng. Vấn đề đặt ra là cần sự phối hợp giữa ngân hàng và DN để làm sao các chính sách, giải pháp đúng và trúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách.
Cụ thể các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa thế nào với DN hiện nay?
Ở bất cứ tình huống nào sự hỗ trợ của ngân hàng cũng rất quý, trong bối cảnh hiện nay lại càng có ý nghĩa, bởi như tôi nói là DNNVV đang gặp nhiều khó khăn. Việc giãn nợ, có nghĩa là DN đến thời kỳ trả nợ mà chưa trả được nhưng ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, giúp DN tập trung sản xuất kinh doanh. Với giảm lãi suất giúp cho DN giảm được chi phí trong sản xuất, vượt qua khó khăn. Về điều hành chính sách tiền tệ, chúng tôi cũng đánh giá cao thời gian qua NHNN đã giữ ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc hỗ trợ DNNVV cũng là một phần trong việc hỗ trợ nền kinh tế để cùng nhau vượt qua khó khăn. Chính vì thế, tôi tin rằng DN rất hài lòng với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngành Ngân hàng.
Ông có ý kiến gì khi gần đây vẫn có một số DN phàn nàn khó tiếp cận vốn?
Với tư cách là Hiệp hội DNNVV là ngôi nhà để DN gửi tâm tư, tình cảm. Nhưng ít người gọi đến nhờ tư vấn. Ở khía cạnh nào đó, bản thân DN cũng chưa nỗ lực lắm. Thực tế, ngành Ngân hàng đã tiếp cận 12 nghìn DN, đang giải quyết với nguồn lực 13.500 tỷ đồng, ngân hàng còn xét tiếp 36 nghìn DN và hỗ trợ với tổng dư nợ 96 nghìn tỷ đồng, bắt đầu từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 11. Như vậy ngành Ngân hàng đã đáp ứng tương đối nhanh. Chỉ có điều như tôi đã nói ở trên là DN và ngân hàng cần phối hợp ở nhiều khía cạnh để làm sao việc hỗ trợ này đúng và trúng đối tượng.
Điểm đáng chú ý nữa là các NHTM cam kết cho vay với tổng số tiền dự kiến 285 nghìn tỷ đồng không phải từ NSNN, thưa ông?
Tôi biết 285 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn các NHTM huy động từ người dân, do đó ngân hàng phải cân đối hợp lý. Nhưng việc ngân hàng đã rất chủ động đưa ra gói cho vay 285 nghìn tỷ đồng hỗ trợ DN là hành động rất đáng quý.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông có nhắn nhủ gì với các DNNVV?
Nguồn lực của chúng ta là không nhiều nên trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tương tác 2 chiều. Khi DN đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin, để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn DN nào ỷ lại, trục lợi, thụ động thì không nên.
Xin cảm ơn ông!