Chưa đồng thuận với mức giảm trừ gia cảnh
Giảm trừ gia cảnh vẫn “chạy” sau lạm phát | |
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết | |
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng |
Đúng luật nhưng lạc hậu
Theo phân tích của bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, bộ đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là căn cứ dựa trên tính toán tương quan giữa biến động giá cả cũng như các những quy định của Luật Thuế TNCN năm 2012.
Cụ thể, theo Luật Thuế TNCN năm 2012: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này, phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu tháng 7/2013 thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đến cuối tháng 12/2019, chỉ số CPI đã tăng 23,2%, nên mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tăng lên 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho người phụ thuộc tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng phù hợp và đúng luật.
Điều kiện lạm phát trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá cao, cần phải giảm một nửa |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đỗ Tất Cường cho rằng việc nâng mức thu nhập chịu thuế như trên phù hợp với mức tăng của chỉ số CPI. Ngoài ra, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của dự thảo cũng đảm bảo được sự công bằng về trách nhiệm thuế. Do mức điều chỉnh chỉ nhắm đến các hộ gia đình có thu nhập cao (từ 12-25 triệu/hộ/tháng - PV), trong khi các nhóm hộ gia đình khác không chịu sự tác động. Điều đó cho thấy mục tiêu điều chỉnh của Bộ Tài chính không phải gia tăng gánh nặng thuế TNCN cho toàn bộ người dân mà góp phần điều chỉnh mức chênh lệch giữa thu nhập của các nhóm dân cư khác nhau.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, việc Bộ Tài chính đợi đến lúc chỉ số CPI tăng 23,2% mới bắt đầu đưa ra dự thảo đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh đã chậm so với diễn biến của giá cả trên thực tế. Đáng ra, việc thay đổi này cần được áp dụng ngay từ đầu năm 2019 khi CPI vừa tăng vượt 20%, người nộp thuế sẽ được lợi hơn.
Thậm chí, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, nếu bây giờ các mức giảm trừ gia cảnh mới được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết thì phải mất khá lâu mới đi vào thực tiễn. Trong khi đó từ đầu năm đến nay nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, mức thu nhập của người dân sẽ có sự biến động, không thể dùng mức thu nhập này để tính thuế cho năm nay và các năm tới.
Cần đổi mới cả luật và cách tính thuế
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, cách Bộ Tài chính lấy mức giảm trừ gia cảnh hiện tại nhân với tốc độ gia tăng của chỉ số CPI để tính toán ra số tiền người nộp thuế TNCN được khấu trừ gia cảnh là cách tính quá đơn giản.
Theo ông Bảo, với cách làm này, Bộ Tài chính chỉ đạt được mục đích duy nhất là tối đa hoá số thuế thu được, nhưng lại vi phạm về nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu. Còn nếu Bộ Tài chính muốn tính toán tương đối hợp lý ngưỡng thu nhập chịu thuế phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người chứ không được “đánh tráo” bằng tốc độ tăng trưởng CPI.
Theo tính toán của ông Bảo, giả sử tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019 để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ phải hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng. Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn 6 triệu đồng/người. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế TNCN. Theo ông, tốt nhất Bộ Tài chính nên đề xuất điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.
Ở góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, vấn đề tồn đọng mấu chốt của câu chuyện thuế TNCN ở cấp độ luật chứ không phải dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đang dự thảo. Luật Thuế TNCN hiện hành không thể hiện rõ triết lý, nguyên tắc đánh thuế TNCN theo hướng đánh vào mọi đối tượng có thu nhập hay chỉ với người có thu nhập cao? Luật cũng không thể hiện rõ nguyên tắc ấn định mức giảm trừ gia cảnh.
Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu chung cũng như mức lương tối thiểu theo vùng. Chẳng hạn, lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau đến 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
“Để hợp lý, phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí là khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý. Ví dụ, một người tuy thu nhập khá cao nhưng cuộc sống còn khó khăn do phải trả chi phí học hành, bệnh tật, thuê nhà ở... vẫn phải nộp thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp hơn nhưng sống dư dả thì quá bất công” – ông Đức nói.
Ngoài ra, theo ông Đức, Luật Thuế TNCN hiện nay quy định điều kiện để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tỷ lệ lạm phát trên 20%, nhưng con số lạm phát do Nhà nước công bố, khi nào đạt mức lạm phát theo quy định phải mặc định được áp vào việc thu thuế hàng năm không cần thiết Chính phủ phải trình Quốc hội quyết định. Mặt khác, con số lạm phát trên 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là quá cao, cần giảm một nửa để tránh người nộp thuế bị thiệt dài hạn.