Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành đến 25 văn bản liên quan tới phòng chống bạo lực học đường song tình trạng mất an toàn và bạo lực học đường có xu hướng lan rộng, phức tạp hơn. Chính vì vậy, một hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường đã được tổ chức mới đây càng minh chứng cho tính cấp thiết cũng như sự chủ động tích cực nhập cuộc nhằm tăng mạnh các hoạt động phòng, chứ không phải chống.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ ra là do đặc điểm lứa tuổi học sinh, sự tác động tiêu cực của mạng xã hội và nhiều tác động khác từ môi trường, gia đình, xã hội. Nếu xem nhẹ khâu nào trong nguyên lý nhà trường - gia đình - xã hội thì công tác phòng, chống bạo lực học đường sẽ không đạt kết quả. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội bao gồm không chỉ các bộ ngành, địa phương, các sở, ban, ngành, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh trong nhà trường. Các bên liên quan như phụ huynh cũng cần chung tay thực hiện.
Nhưng đi sâu, phân tích vai trò của các trường sư phạm, Bộ trưởng cho rằng, các trường cần chú trọng ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ, chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi để từng thầy cô coi đây là nhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục. Trường sư phạm cũng phải có trách nhiệm với các cựu sinh viên của mình, có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để mỗi thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”.
PGS - TS. Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đưa ra những con số rất đáng suy ngẫm. Số liệu của Plan International và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng bị bạo lực học đường.
Ông Nam khẳng định, bạo lực với trẻ em và người vị thành niên xảy ra không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Đó cũng là lý do các quốc gia đều có những giải pháp tầm quốc gia để ngăn ngừa. Từ kinh nghiệm thế giới, cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân. Huy động các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của thủ trưởng cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ đoàn, đội, nhân viên trong đẩy lùi bạo lực học đường. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, coi đó như là chương trình thuộc hoạt động của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép vào hoạt động giáo dục, đoàn, đội.
Trên giác độ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng tình khi cho rằng, cần đặc biệt coi trọng các giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, chưa nhiều học sinh cũng như cha mẹ học sinh biết đến Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 - không chỉ là đường dây nóng thông báo sự việc mà còn là nơi tư vấn, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra tình trạng mất an toàn, bạo lực với học sinh. Thời gian tới, cần được các bộ, ngành sử dụng tích cực hơn nữa, truyền thông phổ biến hơn để học sinh, giáo viên và phụ huynh biết nhiều hơn về Tổng đài 111 này.