Chuyển đổi số ngành du lịch: Không thể chậm hơn nữa
Ảnh minh họa |
Với ngành du lịch, Đại Nam Sơn Group có lẽ là một trong những điển hỉnh về chuyển đổi số khi các giải pháp số hóa giúp cho doanh nghiệp này hoạt động tương đối hiệu quả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đại Nam Sơn Group lấy công nghệ hình ảnh để ứng dụng trong quá trình thiết kế xây dựng sản phẩm. Công nghệ số giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian khảo sát trên thực địa để thiết kế xây dựng dự án. Bên cạnh đó, công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm gắn kết các doanh nghiệp, địa phương với người tiêu dùng.
“Ngay cả trong giai đoạn đại dịch, việc áp dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp chúng tôi triển khai các dự án và đi khảo sát các dự án một cách bình thường”, ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group cho hay. “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội, trong bối cảnh khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”, ông nói.
Trong đại dịch, chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch nhưng trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Theo bà Xoan, các doanh nghiệp khách sạn có quy mô lớn như Accor, Marriot... sở hữu hệ thống đặt phòng rất chuyên chuyên nghiệp, chủ yếu đón những khách cao cấp, khách Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3-5% tổng lượng khách ở các khách sạn này. Các doanh nghiệp này đã áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, chăm sóc khách hàng. Đây là một trong nhiều yếu tố giúp doanh nghiệp du lịch thành công trong kinh doanh.
Bà Xoan cho biết, hiện nay để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và cả quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh truyền thống nữa mà phải đi vào chuyên nghiệp, số hóa.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi số ngành du lịch, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn các cơ sở quy mô nhỏ đều do người trong gia đình quản lý, không được đào tạo bài bản chuyên nghiệp. Sau đại dịch, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín. Chính vì vậy, chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên là câu chuyện vừa phải có chính sách từ trung ương đến các bộ đến tổng cục du lịch, đến hiệp hội cũng như các sở địa phương mới thì mới có thể thực hiện tốt được.
Trong khi tại các nước phát triển trên thế giới, chuyển đổi số đã thực hiện từ lâu, trở thành chuyên môn hóa của tất cả các doanh nghiệp, trở thành thói quen, chỉ cần ngồi một chỗ có thể biết tất cả toàn thế giới từ việc đặt phòng, đặt tour... Còn tại Việt Nam, "để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa", ông Phòng nhấn mạnh.
Liên quan đến vai trò của cơ quan chủ quản du lịch, theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo sân chơi chung cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.