Chuyển hướng để tháo gỡ khó khăn
“Cứu” nông sản trong bối cảnh dịch bệnh |
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV) từ Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng mà xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn như gỗ, nông thủy sản… Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 1/2020 đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so và tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019.
Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 116,86 tỷ USD. Tuy nhiên xuất khẩu những tháng đầu năm đang bị suy giảm mạnh. Tính đến hết tháng 1/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm gần 26% so với tháng 12/2019 và giảm gần 112% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm hơn 20%.
Giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu |
Đại dịch nCoV không chỉ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các DN Việt Nam của một số ngành nghề đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, da giầy, gỗ… Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), các DN xuất khẩu của ngành dệt may và da giày, túi xách đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất trong thời gian tới do nguồn nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn. Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều DN dệt may bởi ngành dệt may đang phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2020 do tác động từ dịch bệnh sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để một số ngành phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc chuyển hướng tìm những thị trường mới và nguồn nguyên liệu từ một số nước khác. Theo đó các DN cần tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, xuất khẩu đồ gỗ chứng kiến sự suy giảm ở thị trường Trung Quốc. Nếu như năm 2018 chiếm 13,2% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ nước ta, thì năm 2019 đã tụt xuống 12,2%. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho thấy các DN đã có những bứt phá về tìm kiếm thị trường mới. Trong năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác. Chính vì vậy trong năm 2020, ngành gỗ sẽ có nhiều cơ hội mới trong việc tận dụng thị trường khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...
Trong khi đó, với ngành dệt may, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas, thời gian tới các DN phải chủ động trong việc ứng phó với những khó khăn mà thị trường gây ra. Đối với việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc buộc một số DN phải chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các nước khác. Trước mắt với các DN sản xuất có quy mô lớn, có nhiều đơn hàng xuất khẩu thì cần phải có chuyển hướng nhập khẩu nguồn cung vải và các phụ liệu liên quan từ Hàn Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ. Mặc dù khó khăn nhưng là cần thiết để đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành dệt may cần có những giải pháp dài hơn là chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.