Cơ hội tăng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao
Dồn dập lên kế hoạch ưu tiên, ưu đãi
Bước vào tháng 10/2021, sau nhiều tháng chững lại do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Long An đã chính thức triển khai Chương trình phát triển NNCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong đó, địa phương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách để ưu đãi thuế, phí và lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực sản xuất lúa, rau màu, thanh long, chanh và chăn nuôi bò thịt, tôm nước lợ.
Theo Quyết định 40/2021/QĐ-UBND tỉnh Long An, các dự án chăn nuôi bò quy mô lớn có thể được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp, HTX được vay vốn với mức lãi suất tín dụng từ ngân sách địa phương ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạn mức cho vay tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ thêm tối đa 5 tỷ đồng chi phí xử lý chất thải, nước thải. Các dự án nuôi tôm nước lợ được hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường và 100% chi phí phân tích mẫu đất, mẫu nước nếu dự án đáp ứng được các điều kiện về quy mô và quy hoạch.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn |
Thực tế không chỉ có Long An trong thời điểm này tập trung ưu đãi lớn cho lĩnh vực NNCNC, trong quý 3/2021 đã có khoảng gần 10 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam lên kế hoạch phát triển các khu, vùng NNCNC với những ưu đãi hấp dẫn, nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại TP.HCM, hiện đã thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất phi nông nghiệp tại các huyện ngoại thành, đầu tư mở rộng hai khu NNCNC tại huyện Củ Chi; xây dựng khu chăn nuôi CNC tại huyện Bình Chánh.
Tại Đồng Nai, hiện đã ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng giá trị sản xuất chăn nuôi lên mức 5%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt trên 65%. Vì thế các doanh nghiệp chăn nuôi CNC được địa phương khuyến khích với nhiều ưu đãi hấp dẫn về vốn và thuế phí.
Tương tự tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu… trong quý 3 vừa qua cũng đã lần lượt xúc tiến các chương trình đầu tư mạnh mẽ cho các mô hình NNCNC. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh này đã đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành dự án Khu NNCNC phát triển tôm với sản lượng 600.000 tấn. Địa phương cam kết sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách đất đai, phân loại dự án, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để gia tăng các hợp tác PPP trong NNCNC.
Bên cạnh đó, Bến Tre cũng đã hoàn thành một loạt các đề án xây dựng các mô hình NNCNC như: Khu nuôi tôm 4.000 ha tại huyện Bình Đại; Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Tiền Giang mới đây cũng đã phê duyệt 35 dự án và 16 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNCNC giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí đầu tư gần 164 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của doanh nghiệp là trên 103 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.
Tăng cơ hội vào các chuỗi liên kết
Các địa phương dồn dập triển khai các kế hoạch khuyến khích, hỗ trợ phát triển các khu, vùng, dự án NNCNC. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực này ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, quý 3 vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã rót 1.000 tỷ đồng cho GreenFeed Việt Nam để phát triển chăn nuôi heo thịt. Các tập đoàn lớn như: Vilico, Xuân Thiện, BAF Việt Nam, New Hope, T.H cũng đã lần lượt đầu tư từ 1.700 - 3.500 tỷ đồng để xây dựng các dự án chăn nuôi tại hơn 11 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, ở lĩnh vực trồng trọt, các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An, Vinaseed… trong các tháng vừa qua dù ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đầu tư hiệu quả các chuỗi sản xuất khép kín, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng bền vững ở mảng NNCNC.
Ở góc độ tín dụng, theo thống kê của NHNN tính đến ngày 7/10/2021, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Trong đó, các nhóm lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đều có mức tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong tháng 8/2021, mặc dù nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nhưng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 2,18% so với cuối năm 2020, đạt 792.632,94 tỷ đồng.
Thực tế, lĩnh vực NNCNC thời gian qua nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp như: Dabaco, Hòa Phát, Agritech, Trung Sơn, Chăn nuôi C.P… đều đã được các NHTM tài trợ từ vài chục đến vài trăm ngàn tỷ đồng.
Qua quan sát, không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào các dự án NNCNC, hiện tại hoạt động tài trợ vốn cho cơ giới hóa nông nghiệp và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của nhiều địa phương cũng đã được các NHTM đẩy mạnh. Trong tháng 7 vừa qua, VietinBank đã triển khai gói vay 700 tỷ đồng tài trợ ngành máy móc thiết bị nông nghiệp lãi suất từ 5,2%/năm. Trước đó, các ngân hàng như Agribank, Kienlongbank cũng đã hợp tác với các hãng máy nông nghiệp như Yanmar, Kubota để mở rộng cho vay cơ giới hóa và hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mới đây, hàng loạt NHTM khác như HDBank, NamA Bank cũng đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng dành cho các doanh nghiệp nuôi tôm và đại lý phân phối hoặc cho vay các doanh nghiệp NNCNC. Các chi nhánh Agribank tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Đắk Lắk… cũng đều đã ký kết tài trợ vốn cho hàng chục dự án NNCNC do doanh nghiệp và địa phương phối hợp đầu tư...
Những điều này cho thấy, trong giai đoạn tới với việc “thích ứng an toàn” với dịch bệnh, lĩnh vực NNCNC sẽ là lĩnh vực các NHTM có thể mở rộng cho vay với nguồn vốn lớn đổ vào các khu vực nông nghiệp trọng điểm.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)