Cơ hội trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Nhận định trên được ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra khi thảo luận về những giải pháp để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế TP.HCM và cả nước trong khuôn khổ Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2022 - Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” do Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức mới đây.
Theo ông Thành, trong năm 2022 các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ sẽ có tác động nhanh và rộng hơn đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, đối với ngành Ngân hàng, gói hỗ trợ lãi suất 2% (khoảng 40.000 tỷ đồng, dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…) và việc Chính phủ tăng hạn mức bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội (tối đa 38.400 tỷ đồng, để cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, mua - thuê mua nhà ở xã hội...) sẽ là động lực tích cực để tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Ảnh minh họa |
Riêng tại địa bàn TP.HCM, ông Thành cho rằng, trong năm nay, thậm chí 1-2 năm sau, ngoài việc tháo gỡ những nút thắt pháp lý để tái khởi động các dự án lớn trong khu vực kinh tế tư nhân (khoảng 200 dự án, chủ yếu vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai) thì việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng nên được xem là giải pháp chiến lược để phục hồi và tăng trưởng kinh tế của toàn thành phố.
Để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo ông Thành, TP.HCM nên tiếp cận theo tư duy đột phá và cởi mở, đề xuất với Chính phủ những cơ chế chính sách đặc thù để phát triển Trung tâm Tài chính ngân hàng TP.HCM. Bởi, sau khi Việt Nam cung cấp số liệu cho Tổ chức Global Financial Centres Index (tổ chức duy nhất trên thế giới thực hiện chấm điểm xếp hạng các trung tâm tài chính quốc tế) thì tổ chức này đã thực hiện chấm điểm cho các trung tâm tài chính tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam chỉ duy nhất có TP.HCM được Global Financial Centres Index ghi nhận là có trình độ phát triển tài chính và cơ sở hạ tầng hỗ trợ đạt mức “trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp”, tương đương với Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines.
Chính vì vậy, theo ông Thành, trong năm 2022 và các năm sắp tới nền móng để xây dựng TP.HCM trở thành một Trung tâm Tài chính quốc tế thực sự là rất hiện hữu và vững chắc chứ không phải chỉ là “hướng đến”. Để hiện thực hóa điều này, ông Thành cho rằng, không chỉ TP.HCM mà Chính phủ, NHNN cũng cần nghiên cứu để hoàn thiện các pháp lý, làm sao để cho phép các mô hình tập đoàn tài chính được hoạt động nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới, mở rộng cửa cho các TCTD trong nước hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong ngắn hạn, có thể xem xét các chính sách cởi mở hơn đối với việc cấp phép cho ngân hàng số 100% hoạt động bên cạnh hệ thống ngân hàng hiện hữu. Bởi, hiện nay trong khu vực châu Á, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines hiện đều đã có những chính sách thúc đẩy mô hình ngân hàng số 100%. “Nếu Việt Nam “chậm chân” hơn thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tự do hóa tài chính, thu hút dòng vốn lớn từ các thị trường khu vực và thế giới”, ông Thành nhận định.
Theo báo cáo thường niên về kinh tế vĩ mô do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức nghiên cứu dự báo năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5-7%. Trong đó, mục tiêu kiên định chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu nhận định lạm phát tổng thể năm 2022 dự báo trong khoảng 3,3-3,7%. Dự báo này tương đồng với kết quả dự báo của ADB về mức lạm phát của Việt Nam trong năm nay, ở mức 3,5%.
Ông Lê Hoài Ân, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá, trong năm nay các nhóm ngành Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng sẽ tiếp tục là những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, nhóm ngành Ngân hàng sẽ là nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất bởi Việt Nam do đang nằm trong chu kỳ nợ tiêu dùng đã bắt đầu từ năm 2015 và có thể kéo dài đến các năm 2023-2024. Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành thực phẩm, vật liệu sẽ là các nhóm ngành tiếp tục có sự tăng trưởng chậm và sụt giảm lợi nhuận. Việc mở rộng sản xuất trở lại ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan sẽ khiến giá vật liệu không còn duy trì mức cao như năm 2021.