Cổ phiếu dệt may vượt khó
Cụ thể, GIL ghi nhận lợi nhuận ròng sau thuế quý III tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần doanh nghiệp tăng 45% lên 2.546 tỷ đồng, còn lãi sau thuế 189,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GIL đã tăng hơn hơn 2 lần trong thời gian gần đây để lên tới 39.000 đồng/cp.
Nhiều công ty dệt may đã vượt khó thành công |
Các yếu tố mang lại kết quả tích cực này là nhờ doanh thu và biên lợi nhuận đều cải thiện, công ty cũng hưởng lợi lớn nhờ chênh lệch tỷ giá thực hiện. Là đối tác đối tác của Amazon và Ikea, những đơn vị bán lẻ có nền tảng tài chính mạnh và hoạt động kinh doanh ổn định với hướng kinh doanh online chủ đạo trong thời qua, nên GIL về cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Một tên tuổi khác lội ngược dòng thành công trong khi các đối thủ vẫn chìm trong khó khăn là công ty may mặc Bình Dương (BDG). Nhờ tiết giảm chi phí mạnh mẽ, quý III vừa qua, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 10,5% so với cùng kỳ 2019 đạt 25,6 tỷ đồng. Giá cổ phiếu BDG đã cải thiện hơn 33% trong 6 tháng gần đây để lên tới 39.000 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh tích cực cũng diễn ra ở Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM). Nhờ nhanh nhạy chuyển sang sản xuất các đơn hàng vải kháng khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế sang Mỹ mà công ty đã vượt khó thành công, đồng thời bù đắp được cho sự sụt giảm của các đơn hàng quần áo truyền thống.
Thêm vào đó Thành Công có hệ thống sản xuất khép kín từ sợi, dệt, đan, nhuộm và may nên chủ động được nguyên liệu đầu vào cũng như thời gian giao hàng rất ngắn (khoảng 2-3 tuần cho 1 đơn hàng đi Mỹ). Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý III tiếp tục tăng 46% lên 106 tỷ đồng còn luỹ kế 9 tháng, TCM thu về 249 tỷ đồng lợi nhuận tăng 29%.
Những ai trụ được trong giai đoạn khó khăn vừa qua sẽ trở thành những cá thể có sức sống mãnh liệt nhất trong tương lai. Nhiều hiệp định thương mại lớn như EVFTA hay RCEP mới được ký là các động lực tăng trưởng mới cho ngành hậu đại dịch.
Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp dệt may tiếp tục kiên định với mục tiêu mở rộng dây chuyền sản xuất trong thời gian tới. Trở lại với GIL, lãnh đạo công ty cho biết có kế hoạch xây dựng các dây chuyền may mới, mở rộng sản xuất lĩnh may mặc, may gia dụng tại những vùng có chi phí lao động cạnh tranh như vùng 3 và vùng 4, đồng thời mua lại các nhà máy cùng ngành nghề với ngân sách khoảng 250-300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, GIL dự kiến sẽ lấn sân sang mảng bất động sản với kế hoạch đầu tư phát triển 2 khu công nghiệp tại miền Trung, phát triển quỹ đất phục vụ khu công nghiệp trong nước tại các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng và TP.HCM. Đây là mảng kinh doanh được kỳ vọng đem lại giá trị bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2030.
Còn lãnh đạo công ty TCM, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng một nhà máy may số 2 ở khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với năng lực sản xuất 12 triệu sản phẩm/năm. Trong giấy chứng nhận đầu tư đã điều chỉnh thì thời gian từ năm 2021 đến tháng 1/2022, Thành Công sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy may số 2. Từ năm 2022 đến tháng 7/2023, công ty sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy đan và nhà máy nhuộm. Dự án này là sẽ giúp TCM bổ sung đáng kể năng lực sản xuất, đảm bảo tiến độ vải đáp ứng thời gian đơn hàng may xuất khẩu cũng như mở rộng hơn nữa tại thị trường châu Âu nhằm tận dụng lợi thế của hiệp định EVFTA.