Ngành dệt may, da giày trước xu thế xanh hóa
Đẩy mạnh bình đẳng giới trong ngành dệt may, da giày Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ |
Vượt khó để nắm bắt cơ hội
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho rằng, ngành dệt may, da giày Việt Nam hiện nay đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với phần lớn các sản phẩm đã được xuất khẩu đến hơn 100 thị trường lớn nhỏ và đây cũng chính là sức ép mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Theo ông Thịnh, trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sức ép lớn nhất là về xu hướng chuyển đổi xanh. Trong đó phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, có nghĩa là phải “xanh hóa” sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 hàng năm, do vậy phải có lộ trình cắt giảm. Trong Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố, các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, trong đó có khoảng gần 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày.
Chia sẻ thêm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, cấu trúc ngành gồm 70% doanh nghiệp gia công, 6% sản xuất sợi, 17% thuộc lĩnh vực dệt và 4% là nhuộm. Trong đó, các doanh nghiệp thực hiện gia công cần chuyển đổi sang mô hình FOB (chủ động từ mua nguyên liệu cho tới ra sản phẩm cuối cùng) để có thể nâng cao giá trị sản phẩm. Theo ông Giang, năm 2024 sẽ đầy thử thách cho ngành dệt may do kinh tế toàn cầu biến động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu và xanh hóa quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn xanh ngày càng phổ biến.
Về phía ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, da giày là một ngành hội nhập rất mạnh. Vì thế, việc đáp ứng các yêu cầu đối với các tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn cũng đã nỗ lực thực hiện quá trình xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu.
Ngành dệt may, da giày cần có các giải pháp đồng bộ cho chuyển đổi xanh |
Tạo giải pháp đồng bộ cho doanh nghiệp
Như vậy, “xanh hóa” mặc dù có rất nhiều thách thức nhưng cũng là động lực và là bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Xuân, điểm mấu chốt hiện nay là thiếu giải pháp đồng bộ cho các doanh nghiệp.
Bà đề nghị, Nhà nước cần ban hành được những chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi, đồng thời xây dựng được một hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. Khi nhìn nhận một cách toàn diện và xây dựng được một hệ điều kiện cũng như tiêu chuẩn rõ ràng, sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt và thực thi một cách chuẩn xác nhất.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, cần có những khuyến khích về các cơ chế tài chính, chẳng hạn như khi doanh nghiệp thực hiện xanh thì có những ưu đãi như thế nào, như các ưu đãi trong quá trình vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuế, hoặc được tiếp cận về mặt khoa học và công nghệ, các công nghệ điển hình trong ngành. Đồng thời, cần có những hỗ trợ, đặc biệt từ các hiệp hội để xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh. Bởi hiện nay, đội ngũ nhân lực trong doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày cũng đã định hướng và nêu rõ quan điểm, quản lý Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi sản xuất như công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các nguồn nguyên liệu mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu. Về đối ngoại, theo ông Hội, ngành công thương và các cơ quan quản lý có liên quan cần đàm phán, trao đổi với phía đối tác những yêu cầu để từ đó xây dựng những bộ tiêu chí hoặc tiêu chuẩn, các quy định có liên quan để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gần hơn đối với thị trường quốc tế.