Cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, song sẽ có phân hóa
Đứng vững trước cú sốc thị trường
Những phiên giao dịch cuối tháng 2 chứng kiến hàng chục mã cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, chỉ có ít mã giữ được sắc xanh. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng nhờ tiềm năng tài chính vững vàng và triển vọng kinh doanh khả quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh. Mặt khác, với tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, nhóm này được kỳ vọng cũng sẽ hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên theo giới chuyên môn, trong ngắn hạn một số ngân hàng sẽ gặp ít nhiều khó khăn do tác động bất lợi từ nền kinh tế, đặc biệt từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, nên sẽ phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên ưu tiên lựa chọn những mã nhà băng có khả năng phòng thủ với các yếu tố quản trị rủi ro tốt và tỷ trọng cho vay bất động sản thấp.
Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá rất có triển vọng trong trung, dài hạn nhờ nền tảng tài chính vững chắc, hiệu quả kinh doanh cao |
Đứng top 1 trong danh sách được đánh giá cao là cổ phiếu VCB của Vietcombank. Công ty chứng khoán VnDirect đánh giá, cổ phiếu này sở hữu chất lượng tài sản tốt và nguồn thu nhập đa dạng. Cụ thể, tỷ lệ CASA ở mức 32,3% (tại thời điểm ngày 31/12/2022) và thị phần tài trợ xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, với vị thế là một ngân hàng quốc doanh, Vietcombank sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư công đẩy mạnh. Ngoài ra câu chuyện phát hành riêng lẻ năm 2024 nếu thành công cũng sẽ là động lực tăng giá.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định, cổ phiếu VCB sẽ ít chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản nhờ có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (1% tổng dư nợ) và tỷ trọng cho vay đối với các công ty bất động sản chỉ ở mức 4% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, bộ đệm dự phòng mạnh giúp Vietcombank có thể tránh được những cú sốc về sụt giảm lợi nhuận. Yuanta Việt Nam dự báo, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Vietcombank trong năm 2023 sẽ đạt 25% so với 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 18% (cao hơn so với dự báo tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm 2023 là 13%) và tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 0,9%.
Một nhà băng khác được đánh giá cao là ACB với mô hình hoạt động kinh doanh ít rủi ro. Đặc biệt ACB là một trong số ít ngân hàng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt lần lượt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN. Tuy nhiên Công ty chứng khoán VnDirect lưu ý, thanh khoản của ngân hàng này chưa thực sự tối ưu, khi tỷ lệ LDR cao có thể sẽ hạn chế lên tăng trưởng cho vay trong giai đoạn 2023-2024.
Cổ phiếu STB của Sacombank - một ngân hàng đang trong giai đoạn cuối tái cơ cấu - cũng được đánh giá cao. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, tốc độ xử lý dư nợ của ngân hàng này tại VAMC trong năm 2022 nhanh hơn giúp giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng trong 2 năm tới. Sacombank có thể bán các khoản nợ liên quan đến Phong Phú trong năm 2023 và 32,5% cổ phần được thế chấp làm tài sản đảm bảo tại VAMC vào năm 2024, ngân hàng sẽ không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC vào năm 2023. Đồng nghĩa, ngân hàng cũng có thể hoàn nhập 5.000 tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2024. Ước tính, chi phí dự phòng dự báo giảm lần lượt 31,8% năm 2023 (so với 2022) và 63,65% trong năm 2024.
Triển vọng trong dài hạn
Mặc dù, một số ngân hàng gặp trở ngại trong ngắn hạn do tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ cho vay bất động sản cao, song vẫn là những đơn vị có nền tảng kinh doanh và triển vọng tốt. Trong số này có thể kể đến Techcombank khi sở hữu các tài sản có chất lượng tốt, bộ đệm vốn vững chắc và tính minh bạch thông tin cao với nhà đầu tư trong quá trình giao dịch trái phiếu, đây sẽ là những điểm cộng lớn với cổ phiếu TCB của nhà băng này. VnDirect nhìn nhận, tỷ lệ thu nhập từ phí/tổng thu nhập cao giúp ngân hàng này đa dạng hóa nguồn thu. Ngoài ra, Techcombank còn sở hữu những lợi thế lớn như tỷ lệ CASA đầu ngành và chất lượng tài sản tốt, sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro NIM thu hẹp và nợ xấu tăng. Đáng chú ý, định giá cổ phiếu TCB năm 2023 khá hấp dẫn với P/B chỉ ở mức 0,7 lần – con số thấp nhất trong lịch sử.
Cổ phiếu VPB của VPBank cũng gặp bất lợi trong ngắn hạn khi tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở nhóm cao trong hệ thống. Nhưng ngân hàng có số dư bộ đệm dự phòng (tính đến ngày 31/12/2022) cao nhất nhóm ngân hàng tư nhân với 13.675 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu kỳ. Giới đầu tư đánh giá VPB cũng có ưu điểm từ câu chuyện riêng như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài là một động lực tăng giá quan trọng; đẩy mạnh đầu tư vào các mảng kinh doanh và sản phẩm mới, ví dụ VPBank Securities (chứng khoán) và OPES (bảo hiểm phi nhân thọ)…
Một cái tên khác được nhắc tới là VIB. Trong đó VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao và đang tập trung vào cho vay tiêu dùng (mua nhà và mua xe) để đa dạng doanh thu. Tăng trưởng của VIB được dự báo có thể chậm lại trong ngắn hạn do sự trầm lắng của thị trường bất động sản ảnh hưởng bất lợi tới doanh thu từ hoạt động cho vay mua nhà; NIM thu hẹp và chi phí dự phòng tăng là khó tránh khỏi khi ngân hàng không có CASA quá cao và tỷ lệ bán lẻ gần như đã được tối ưu hóa. Tuy nhiên khi khó khăn đã qua đi, thì việc đẩy mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng, gia tăng doanh thu ngoài lãi, lại trở thành lợi thế của nhà băng này.
Tóm lại, năm 2023, giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng sẽ ổn định hơn khi áp lực lãi suất và tỷ giá giảm bớt, cùng với việc thanh khoản cải thiện nhờ các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các gói đầu tư công. Định giá nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng hấp dẫn chưa từng có và sẽ sớm mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư khi tăng trưởng kinh tế vào guồng phục hồi mạnh mẽ trở lại.