Công khai ngân sách địa phương mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh
Ngân sách địa phương 1/4 thu từ xổ số, Hậu Giang kêu gọi đầu tư mở rộng sản xuất công nghiệp |
Theo kết quả khảo sát PAPI thường niên từ 2016 đến 2022, có 30-42% người dân xác nhận số liệu về ngân sách và chi tiêu được công khai tại cấp xã. Trong số đó, có 25-32% đọc số liệu, và 69-86% số người đọc số liệu nói rằng họ tin tưởng các thông tin đó. Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2021 cũng chỉ ra sự tham gia của công dân trong quy trình ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công khai ngân sách Nhà nước cùng sự tham gia của người dân và tính minh bạch trong lập, phê duyệt, thực hiện, giám sát và quyết toán ngân sách Nhà nước tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhằm quản trị một cách toàn diện và lấy người dân làm trung tâm.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI) thực hiện với sự chủ trì của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu thực chứng "Chính sách và thực tiễn về mức độ công khai ngân sách Nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách".
Từ kết quả nghiên cứu, BTAP phối hợp với UNDP tổ chức Tọa đàm "Một số Thực hành tốt trong Công khai Ngân sách địa phương và Hàm ý chính sách" ngày 29/8.
Các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan |
Khoảng trống giữa chính sách với việc triển khai trên thực tiễn
ThS. Phạm Văn Long đại diện nhóm nghiên cứu thực tế cho biết, hiện nay các quy định của pháp luật liên quan đến công khai ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào công tác quản lý nhà nước nói chung và chu trình ngân sách nói riêng tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn một số khoảng trống giữa văn bản pháp luật và quá trình triển khai trên thực tiễn.
Ông Long cho rằng, với các quy định và hướng dẫn hiện nay liên quan đến vấn đề công khai ngân sách Nhà nước các cấp tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015, như Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Thông tư số 343/2017/TT-BCT thì người dân có ít thời gian hoặc không có thời gian tiếp cận, tìm hiểu về dự thảo dự toán ngân sách để có thể tham gia góp ý, phản biện về ngân sách, vì khó có thể xác định được thời điểm công khai đối với tài liệu này do không có quy định về ngày cụ thể.
"Bên cạnh đó, khoảng thời gian công khai kể từ khi tài liệu được gửi tới các Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cho tới khi HĐND các cấp họp và ra quyết nghị chỉ có năm ngày là quá ngắn. Như vậy có thể thấy, ý nghĩa của việc công khai là không có." – ông Long dẫn chứng.
Theo ông Long, tại tỉnh Điện Biên, phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự được chú trọng. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.
Việc thiếu đồng bộ giữa các biểu mẫu, báo cáo ngân sách theo hướng dẫn của Nghị định số 31/2017/NĐ-CP, Thông tư số 343/2016/TT-BTC và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Cổng công khai ngân sách Nhà nước dẫn tới khó khăn cho cán bộ phụ trách khi triển khai và tốn kém nguồn lực. Một vấn đề quan trọng nữa đó là vẫn chưa có chế tài xử lý vấn đề không công khai/chậm công khai các tài liệu ngân sách theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này dẫn tới việc cán bộ/công chức xem nhẹ tầm quan trọng của việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định bắt buộc.
Tài liệu công khai chỉ mang hình thức đối phó
Chia sẻ kết quả thực tế tại hai tỉnh Điện Biên và Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh – chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số. Sự khác biệt về việc thực hành công khai ngân sách giữa hai tỉnh được thể hiện rõ ràng hơn ở cấp huyện, cấp xã và trên địa bàn các thôn/bản/tổ dân phố/khu dân cư.
Kết quả khảo sát POBI của Điện Biên và Bà Rịa- Vũng Tàu từ 2018 - 2021 |
Tại Điện Biên, nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự nghiêm túc. Các bằng chứng tại thực địa cho thấy, việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi mà người dân đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Trưởng nhóm Nghiên cứu cho rằng: "Việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách hiện nay tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số".
Để nâng cao hiệu quả công khai ngân sách địa phương, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Theo đó, các địa phương cần tuân thủ và thực hiện đúng việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định. Việc công khai ngân sách tỉnh và ngân sách huyện không chỉ được thực hiện theo hình thức trực tuyến mà cần kết hợp đồng thời với việc công khai tại trụ sở UBND các xã, thậm chí là trụ sở các khu/tổ dân phố nơi thực sự gần gũi và dễ dàng tiếp cận đối với người dân.
Đối với người dân, cần có hướng dẫn cụ thể để họ có thể tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước nói chung và vấn đề ngân sách nói riêng theo cơ chế đại diện đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần triển khai và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về công khai ngân sách cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác chính quyền.