Công nghiệp ICT của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh ngành công nghệ thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 2,067 triệu tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch của cả năm.
Trong đó, tính đến ngày 31/5, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ghi nhận 6 tháng đầu năm ước đạt 1,858 triệu tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Như vậy, lĩnh công nghiệp ICT có đóng góp lớn vô cùng lớn cho doanh thu của cả ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 6 tháng đầu năm ước đạt 1,753 triệu tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49,53% kế hoạch năm 2024.
Số doanh nghiệp công nghệ số cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích với 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.
Tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số của Việt Nam |
Tuy đạt những kết quả tích cực nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vẫn còn những vướng mắc cản trở nền công nghiệp ICT phát triển.
Bộ cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với các công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain đã tạo ra những cuộc cách mạng làm thay đổi bản chất của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT). Hiện tại, hành lang pháp lý về công nghiệp CNTT quy định tại Luật CNTT bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển: chưa có quy định quản lý, thúc đẩy các loại hình sản phẩm ứng dụng các công nghệ số của CMCN 4.0 như AI và IoT; thiếu cơ chế thử nghiệm (hay còn gọi là Sandbox) cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số chưa có quy định pháp lý; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của mọi quốc gia.
Giải pháp được Bộ đề ra đó chính là Luật Công nghiệp công nghệ số đang được trong đó quy định cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quy định thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Đáng chú ý, luật mới cũng đề cập đến cơ chế quy định về sản phẩm ứng dụng AI. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, AI đang là một xu hướng không thể đảo ngược của thế giới. AI giúp tăng năng suất lao động, tối ưu hóa sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức. AI cần được khai thác một cách có trách nhiệm, thúc đẩy niềm tin và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Do đó, cần có cách thức quản lý AI trong luật, điều này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai.
Ngoài việc nhắc tới vấn đề chỉnh sửa, bổ sung cơ chế pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho công nghiệp ICT phát triển, các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mang tính định hướng lớn. Đó là xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại và thương mại hóa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài giai đoạn 2024 - 2026; Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông Make in Viet Nam năm 2024, tuyên truyền Chương trình sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt; Sách Trắng về Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024...
Bên cạnh công nghiệp ICT, một số lĩnh vực khác trong ngành thông tin truyền thông tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng. Đơn cử như lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông quý 1/2024 đạt 33.536,37 tỷ đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm 2023 (32.792,65 tỷ đồng). Hay lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tổng doanh thu lĩnh vực ước đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 37,1% kế hoạch năm 2024. |