Công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa hết “tai bay vạ gió”
Bảo hiểm Agribank: Giảm gánh nặng cho người dân và ngân hàng Lá chắn tài chính bảo vệ khách hàng Bảo hiểm Agribank chi trả cổ tức lên tới 20% |
Khó khăn kép cho Công ty bảo hiểm phi nhân thọ
Từ ngày 1/7/2024, Luật Các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Một trong những vấn đề được quan tâm tại Luật Các TCTD sửa đổi quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về một trong các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Việc thực hiện sao cho đúng quy định pháp luật mà vẫn đảm bảo phát triển lĩnh vực mang tính nhân văn cao đang khiến ngân hàng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đau đầu. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC), hiện tại với quy định này mỗi TCTD hiểu một cách khác nhau, khách hàng cũng hiểu khác nhau. Có ngân hàng thì hiểu chỉ những dịch vụ bảo hiểm tăng giá trị gia tăng như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được phép bán kèm theo hợp đồng tín dụng, còn các loại bảo hiểm bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng và người vay thì vẫn triển khai bình thường. Nhưng ngược lại có ngân hàng lại hiểu là Luật quy định cấm toàn bộ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng nên để đảm bảo an toàn nhiều ngân hàng quyết định dừng bán bảo hiểm cho các đại lý.
Với sự chia sẻ từ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã giảm gánh nặng lớn cho khách hàng |
Động thái này ngay lập tức đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ như ABIC, Công ty bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI)… Vì Bancasurance phi nhân thọ chiếm 80-90% tỷ trọng doanh thu. Theo chia sẻ của bà Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VBI, chỉ riêng 2 ngày đầu tiên trong tháng 7 doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng giảm tới 50%. Nguyên nhân chính là nhiều chi nhánh ngân hàng tạm dừng bán bảo hiểm cho đại lý khi nào có hướng dẫn cụ thể từ Luật nếu được phép thực hiện nghiệp vụ này thì họ mới tiếp tục.
Trong khi thực tế, tại Điều 133 Luật Các tổ chức tín dụng mới đã quy định NHTM được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nhưng điều bị cấm lại quy định như trên dẫn đến cách hiểu không đồng nhất. Theo bà Xuân, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện vẫn thực hiện tư vấn, hỗ trợ khách bình thường, không có vi phạm. Nhưng việc chỉ nhìn vào quy định cấm trên và hiểu khó rõ ràng việc "gắn" đã gây khó cho doanh nghiệp. Điều này càng khiến cho khó khăn chồng chất khó khăn đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vốn đang bị vạ lây bởi những lùm xùm bảo hiểm nhân thọ trong thời gian vừa qua cũng như tác động của đợt dịch covid 19.
Ông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ từ 10-15%. Nhưng năm 2023, tăng trưởng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khoảng hơn 2%. Trong khi đó đa phần công ty tăng trưởng âm trong đó có ABIC. “Chưa bao giờ ngành bảo hiểm gặp “cú sốc” và khủng hoảng lớn như hiện tại”, ông Phong bày tỏ.
Không nên đánh đồng các loại hình bảo hiểm
Quy định trên theo một đại diện Đoàn Luật sư TP. Hà Nội được hiểu là khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tổ chức tín dụng thì không được gắn với việc bán các sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc được bán. Nghĩa là, ngân hàng chỉ được chủ động cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua. Cụ thể ở đây, theo quy định tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, các sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc xây dựng, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ. Còn với những sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được tự ý cho khách hàng tiếp cận.
Chung quan điểm, theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam quy định trên được hiểu đúng rằng không có quy định là TCTD không được bán mà là không được bán kèm với điều kiện là phải mua bảo hiểm thì mới được hạ lãi suất, cho vay, hay là những cái điều kiện khác để có tính chất là ép buộc. Còn nếu là tự nguyện thì hoàn toàn vẫn được làm đại lý, được cung cấp các dịch vụ như trước.
“Nếu những người có tài sản bắt buộc phải mua bảo hiểm như nhà cửa, ô tô… trên mang thế chấp vay vốn ngân hàng, thì ngân hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu khách hàng hay chủ tài sản phải mua bảo hiểm để đảm bảo an toàn vốn ngân hàng. Trong trường hợp như vậy ngân hàng hoàn toàn cũng có quyền môi giới, làm đại lý bảo hiểm và đó là ngân hàng thực hiện theo đúng quy định bắt buộc của pháp luật chứ không phải là ép buộc bán kèm”, LS. Trương Thanh Đức khẳng định.
Theo chia sẻ của đại diện Agribank, Bảo hiểm Vietinbank và Bảo hiểm BIDV, trong 10 năm qua, 3 công ty này đã chỉ trả bồi thường hơn 20 nghìn tỷ đồng cho các khách hàng gặp rủi ro. Trong số này phần lớn là các khách hàng vay vốn tại các NHTM. Nếu không có khoản tiền bảo hiểm bồi thường thì khoản nợ đó sẽ là gánh nặng lớn cho khách hàng, về phía ngân hàng chịu áp lực nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch HĐQT ABIC bổ sung thêm về lợi ích nữa của bảo hiểm là không làm nghèo hóa gia đình khách hàng vay vốn. Đơn cử, khi vay chẳng may khách hàng qua đời, nếu có bảo hiểm thì công ty bảo hiểm chi trả thay toàn bộ khoản vay đó. Tài sản gia đình không bị ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ, người thân của họ không bị ngân hàng đánh hệ số tín dụng thấp, và vẫn tiếp tục được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ngược lại nếu không có bảo hiểm, trường hợp không may người vay vốn tử nạn, người thân không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản là nhà cửa đất đai. Khi đó người thân của khách hàng bị bần cùng hóa và nghèo thêm. Ở ABIC, chỉ riêng hai năm qua đơn vị này chi trả bồi thường bảo hiểm trong lĩnh vực tam nông khoảng 1.500 tỷ đồng giúp hàng triệu nông dân không bị chuyển sang nợ xấu hoặc phát mãi tài sản.
Tương tự tại VBI, bà Xuân cho biết, trong năm 2023, Công ty đã chi trả bồi thường 400 tỷ đồng cho khách hàng gặp rủi ro ngoài ý muốn. Sự chia sẻ từ phía Công ty bảo hiểm đã giúp cho gia đình vượt qua khó khăn, tài sản đảm bảo bị phát mại. Như vậy, khi mua bảo hiểm qua ngân hàng giúp cho tiết kiệm nguồn lực cho các bên và nhất là khách hàng có sự bảo vệ từ phía ngân hàng, công ty bảo hiểm.
Có thể thấy vai trò rất lớn, ý nghĩa nhân văn của ngành bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đối với nền kinh tế. Chính vì vậy, nhiều nước phát triển như Pháp ngành Bảo hiểm chi phối 30% thị trường vốn, chiếm 7-8% GDP trong khi tại Việt Nam chưa đến 3%, dư địa của thị trường này còn rất lớn.
Bà Bùi Thị Thanh Xuân cho biết, dư địa thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, năm qua, từ những sai sót của một số đơn vị bảo hiểm nhân thọ mà ảnh hưởng lòng tin của khách hàng. Đâu đó khách hàng e ngại với loại hình bảo hiểm nhân thọ và lan tỏa tiêu cực sang cả bảo hiểm phi nhân thọ. Thị trường bảo hiểm bị đánh đồng khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều loại hình bảo hiểm mang tính chất an sinh xã hội, đảm bảo chia sẻ rủi ro bị đánh đồng và gặp vô vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị cần phải làm minh bạch, sáng tỏ những tồn tại của ngành Bảo hiểm trả lại công bằng cho nỗ lực đang phấn đấu của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động kinh doanh nghiêm túc. Không nên đánh đồng các loại hình bảo hiểm đều “gắn mác” xấu, vô hình chung “bóp nghẹt” ngành bảo hiểm.
Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC mong muốn các cơ quan ban ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng thực hiện. Cụ thể, đối với Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi rất mong NHNN sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các công ty bảo hiểm, TCTD nghiêm túc thực hiện. Từ đó giúp công ty bảo hiểm phi nhân thọ yên tâm kinh doanh, cống hiến nhiều hơn cho xã hội, bảo vệ tốt hơn dòng vốn của các TCTD đối với nền kinh tế.
Đại diện ABIC khẳng định, tại ABIC và một số doanh nghiệp khác như BIC, bảo hiểm VietinBank đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và việc tư vấn, bán bảo hiểm cho khách hàng đều trên tinh thần tự nguyện. Ở phía ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đều muốn có biện pháp quản lý, quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Bảo hiểm phi nhân thọ chính là một công cụ quản trị rủi ro. “Chúng ta đang nghĩ tài sản bảo đảm để đảm bảo khoản vay của ngân hàng. Nhưng rất nhiều khoản vay, thậm chí là tín chấp, không có gì bảo vệ hay nhiều khoản vay, tài sản bảo đảm chỉ là một phần thôi... Chưa kể nếu có rủi ro, tỉ lệ nợ xấu lên cao thì tổ chức tín dụng phải chịu. Vì vậy, nếu có bảo hiểm là một phương tiện, công cụ quản trị rủi ro thì khách hàng, ngân hàng và cả xã hội sẽ được lợi”, ông Phong nêu thêm.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cần xem xét vẫn cho phép các NHTM thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở ban hành các quy trình nội bộ để triển khai tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và Khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng 2024. Cũng có đề xuất các văn bản hướng dẫn luật có thể phân tách giữa bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ để có điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng tin rằng, tại Thông tư hướng dẫn của NHNN sẽ quy định rõ và cho phép các ngân hàng được thực hiện làm đại lý bán bảo hiểm.