Gỡ khó cho ngành bảo hiểm, giảm thiểu tổn thất cho khách hàng
Lá chắn bảo vệ tài sản trước rủi ro
Theo thông tin tại Tọa đàm, cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề về người, tài sản đối với nước ta. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến chiều ngày 16/10/2024, ước tính thiệt hại do bão Yagi được bảo hiểm lên tới 12.811 tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhóm bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm đến 96%). So với tổng số thiệt hại do bão là trên 80.000 tỷ đồng, tổng giá trị thiệt hại được bảo hiểm khoảng 17%. Đến nay, các doanh nghiệp hiểm đã tạm ứng, bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.
Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank cho biết, đến thời điểm này, công ty ghi nhận gần 600 vụ tổn thất trên diện rộng của khách hàng với số tiền dự kiến bồi thường gần 400 tỷ đồng. Con số này so với nhiều doanh nghiệp khác chưa phải lớn, nhưng đối với công ty đây là lần đầu tiên ghi nhận bồi thường thiệt hại lớn như vậy do hậu quả từ thiên tai.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, Bảo hiểm Agribank đã thành lập 15 tổ công tác đi đến những “điểm nóng”, tiếp cận hiện trường, chủ động liên hệ với từng khách hàng đã mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin về tổn thất, giám định hiện trường. Song song đánh giá tổn thất, công ty đã tạm ứng bồi thường cho khách hàng để có khoản kinh phí tạm thời khắc phục tổn thất ban đầu. Số tiền tạm ứng của Bảo hiểm Agribank khoảng 30 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đang tiếp tục hoàn thiện nhanh chóng hồ sơ để hỗ trợ khách hàng kịp thời.
“Bảo hiểm Agribank cam kết đồng hành, chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất để khách hàng sớm khắc phục khó khăn, hoạt động kinh doanh trở lại. Do đó, khách hàng hoàn toàn yên tâm”, ông Phong khẳng định.
Tương tự, tại Công ty bảo hiểm VietinBank, bà Bùi Thị Thanh Xuân - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành cho biết, đến thời điểm này, bằng mọi nguồn lực, công ty đã tạm ứng trên 50 tỷ đồng sau 2 đợt bồi thường. Hiện tại, công ty đang triển khai đợt bồi thường thứ 3, nâng tổng số tiền bồi thường lên khoảng 100 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, các đại biểu nhấn mạnh các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển… đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn khi xảy ra sự cố. Cơ chế bảo hiểm cũng giúp giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, ngân hàng và toàn xã hội.
Hoàn thiện khung pháp lý cho ngành bảo hiểm
Bão Yagi đi qua cũng một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế, xã hội, nhưng hoạt động của ngành bảo hiểm trong nhận thức của người dân còn rất mờ nhạt, chưa thực sự được coi là “tấm lá chắn” đúng nghĩa, đúng bản chất của ngành giống như tại các nước phát triển.
Nhìn ra các nước trên thế giới, có thể thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, vừa qua, cơn bão Milton đổ bộ vào Mỹ đã gây tổn thất ước khoảng 170 tỷ USD. Tỷ lệ được bảo hiểm tại Mỹ là rất cao, giá trị được bảo hiểm là 125 tỷ USD, tỷ lệ bảo hiểm là 71%. Trong khi đó với trường hợp cơn bão Yagi tại Việt Nam, tỷ lệ được bảo hiểm mới chỉ khoảng 17%. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này được các diễn giả chỉ ra là do nhiều cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, khủng hoảng niềm tin liên quan đến việc bán bảo hiểm gần đây đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm phi nhân thọ.
Ông Nguyễn Hồng Phong thừa nhận, thời gian qua, bảo hiểm phi nhân thọ bị “vạ lây” từ sự cố khủng hoảng truyền thông do một số đại lý bán bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc” và tranh chấp hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng đôi khi không phân biệt được giữa bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ, mặc nhiên có định kiến với ngành bảo hiểm và việc bán bảo hiểm.
Khó khăn nữa trong hoạt động bảo hiểm, tại khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 quy định cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Quy định này được cho là chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất dẫn tới khó khăn cho hoạt động của chính các doanh nghiệp bảo hiểm.
Do không thống nhất cách hiểu nên nhiều chi nhánh Agribank đã dừng bán sản phẩm bảo hiểm. Điều này vừa khiến khách hàng bị thiệt thòi do không được bảo vệ, doanh nghiệp bảo hiểm không có doanh thu… Vì vậy, ông Phong đề nghị cần có văn bản dưới dạng thông tư hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự thống nhất trong triển khai.
“Sớm có văn bản làm rõ quy định của Luật Các TCTD tại khoản 5 Điều 15 “cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức” để các TCTD được phép cung cấp một gói tài chính cho khu vực “tam nông”, gồm sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm rủi ro bắt buộc theo quy định Luật, hoặc bắt buộc theo quy định của ngân hàng để bảo vệ vốn vay”, ông Phong đề xuất.
Đồng tình với các ý kiến trên, từ góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm, bà Bùi Thị Thanh Xuân đề xuất về phí bảo hiểm, khi có tổn thất lớn xảy ra thì năm sau phí bảo hiểm tăng. Theo quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tăng/giảm 25% phí bảo hiểm. Tuy nhiên, điều này gây nhiều khó khăn cho việc cung cấp dịch vụ của bảo hiểm tới khách hàng. Bởi, quy định được tăng/giảm 25% nhưng hầu như chỉ thấy giảm chứ không thấy tăng. Do đó, cần phải làm rõ hơn các điều kiện tăng, giảm phí để dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, bà Xuân đề nghị.
Với vai trò quan trọng của bảo hiểm trong việc hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, các đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp đột phá nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là liên quan đến phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhằm góp phần phát triển thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng nhanh hơn và bền vững hơn.