Công ty liên kết với ngân hàng sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ đến từ các công ty liên kết ngân hàng tư nhân. Một trong những điểm sáng của ngành chứng khoán trong năm 2025 chính là mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, với dự báo cải thiện 30-50 điểm cơ bản, đạt mức 5,3-5,5%. Các công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng, với lợi nhuận toàn ngành kỳ vọng tăng khoảng 25% so với năm trước. Các công ty này tận dụng tối đa mạng lưới khách hàng rộng lớn và nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng mẹ để gia tăng thu nhập từ cho vay ký quỹ và đầu tư trái phiếu.
Theo số liệu từ VIS Ratings, nhóm 30 công ty chứng khoán lớn nhất chiếm gần 90% tổng tài sản ngành, trong đó các công ty liên kết với ngân hàng tư nhân như TCBS, HDBS và MBS ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 41% thị phần lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ mảng đầu tư cổ phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu cũng tăng mạnh nhờ mạng lưới phân phối rộng lớn và nhu cầu huy động vốn tăng cao.
Ngược lại, các công ty nước ngoài như MASVN hay KIS gặp khó khăn hơn do thiếu lợi thế quy mô và nền khách hàng, khiến lợi nhuận từ cho vay ký quỹ chỉ tăng khoảng 5-10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành.
Báo cáo của VIS Ratings cũng nhấn mạnh rằng rủi ro tài sản dù đã được kiểm soát nhưng không thể xem nhẹ. Rủi ro tài sản của ngành sẽ dần ổn định, ngay cả khi quy mô đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp gia tăng. Quy mô nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của ngành tăng 15% trong năm 2025, đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, các công ty liên kết ngân hàng tư nhân có xu hướng cam kết mua lại trái phiếu nhiều hơn để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng mẹ.
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc lãi giảm xuống mức 2.5% trong năm 2025, so với mức 3.2% của năm trước nhờ điều kiện kinh doanh mạnh mẽ và dòng tiền ổn định từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro sự kiện vẫn hiện hữu, đặc biệt khi các khoản vay ký quỹ tập trung vào một số ít khách hàng lớn. VIS Ratings khuyến nghị các công ty cần tăng cường quản lý rủi ro tín dụng và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Về nguồn vốn và thanh khoản, theo VIS Ratings, mức độ sử dụng đòn bẩy của ngành vẫn duy trì ở mức thấp, với tỷ lệ đòn bẩy trung bình đạt 1.8 lần, giảm so với mức 2.1 lần của năm 2023 nhờ các đợt tăng vốn mới. Theo dữ liệu, hơn 60% các công ty chứng khoán lớn nhất đã công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2025, đặc biệt là nhóm liên kết ngân hàng như TCBS, VPSS và HCM.
Bên cạnh vay từ ngân hàng, các công ty chứng khoán tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu, với tổng giá trị trái phiếu phát hành năm 2025 dự kiến đạt 250 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Việc này không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
VIS Ratings dự báo, nhờ tính thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp cải thiện, rủi ro tái cấp vốn của ngành sẽ giảm, đảm bảo dòng vốn ổn định để hỗ trợ tăng trưởng.
VIS Ratings cũng đưa ra ba kịch bản chính cho ngành chứng khoán trong năm 2025. Theo đó, ở kịch bản tích cực: Nếu lãi suất giảm 50-100 điểm cơ bản và dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng thêm 15-20%, ngành chứng khoán có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận vượt mức 30%, nhờ sự bùng nổ trong phát hành trái phiếu và giao dịch cổ phiếu.
Với kịch bản tiêu cực, nếu lãi suất tăng mạnh thêm 100 điểm cơ bản, tâm lý nhà đầu tư sẽ suy yếu, dẫn đến giảm 10-15% giá trị giao dịch thị trường. Đồng thời, tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc lãi có thể tăng lên 3.8%, gây sức ép lên chất lượng tài sản toàn ngành.
Ở kịch bản cơ sở, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức 6.5%-7%, ngành chứng khoán được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 20-25%, đi kèm với cải thiện tín nhiệm và giảm rủi ro thanh khoản.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho ràng, triển vọng ngành chứng khoán năm 2025 đầy tiềm năng nhưng không thiếu thách thức. Các công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty liên kết với ngân hàng tư nhân, nên tập trung khai thác tối đa lợi thế vốn và khách hàng, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tín dụng và phân bổ tài sản. Các công ty nước ngoài cần có chiến lược mở rộng nền khách hàng và cải thiện lợi thế quy mô để bắt kịp tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ chính sách như Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững. Với các yếu tố tích cực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 2025 hứa hẹn sẽ là thời kỳ phát triển đáng chú ý của ngành chứng khoán Việt Nam.