Khi nào vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán Việt?
Ngân hàng duy trì sự tăng trưởng trong bối cảnh nhiều thách thức gia tăng Thị trường trái phiếu dần tạo nền tảng vững chắc trong kỷ nguyên mới Kéo mạnh phiên ATC, VN-Index tăng hơn 6 điểm |
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã có một năm bán ròng lớn nhất trong lịch sử 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết năm 2024, khối ngoại bán ròng tổng cộng 93.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam, trong đó bán ròng trên HoSE đạt 90.000 tỷ đồng. Lũy kế 5 năm từ sau đại dịch COVID-19, NĐTNN đã bán ròng tổng cộng 167.200 tỷ đồng.
Việc bán ròng liên tục đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN với cổ phiếu trong nước xuống mức 12,8% trên 3 sàn và 16,8% nếu tính trên sàn HoSE. Đây cũng là con số thấp nhất trong 10 năm qua.
Đà này tiếp tục diễn ra trong đầu năm 2025. Thống kê từ CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy dòng vốn tại TTCK Việt Nam tiếp tục bị rút 34,6 triệu USD. Một số thị trường khác gặp tình trạng tương tự như Malaysia (-12,5 triệu USD), Indonesia (-50,4 triệu USD), Thái Lan (-22,7 triệu USD) và Đài Loan (-592,3 triệu USD).
Chiều ngược lại, dòng vốn ETF tại Hoa Kỳ ghi nhận hút ròng 29,7 tỷ USD vào thị trường cổ phiếu. Tương tự, chỉ số U.S. Fixed Income cũng hút hơn 4 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng việc chỉ số USD-Index tăng mạnh trong một năm qua khiến dòng vốn đầu tư đảo chiều. Thêm vào đó, các chỉ số chứng khoán như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq cũng liên tục phá đỉnh trong năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng.Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, dự báo thanh khoản thị trường chứng khoán giai đoạn cuối 2024 đến nửa đầu năm 2025 có thể tăng cao và kích hoạt nhờ yếu tố nâng hạng thị trường và khối ngoại tăng mua ròng trở lại.
Theo ông Sơn, với kịch bản thị trường được nâng hạng vào tháng 9/2025, thanh khoản thị trường sẽ bật tăng, khối ngoại mua ròng vào tháng 8 và 9/2025. Hiện tại, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. Việt Nam còn điều kiện quan trọng là thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ. Hiện trung tâm này đang được hoàn thiện, do đó dự báo thị trường sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng trong tháng 9/2025.
Sau khi được nâng hạng, chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ huy động thành công 1,7 tỷ USD vốn thụ động và 6-7 tỷ USD vốn chủ động.
Các chuyên gia cũng nhận định giá TTCK Việt Nam thấp sẽ là điểm tựa quan trọng cho sự trở lại của khối ngoại. Số liệu từ Chứng khoán VietCap chỉ ra VN-Index đang có định giá hấp dẫn với P/E trượt 12 tháng thấp hơn mức trung bình 10 năm; P/E dự phóng 12 tháng (mức 1 độ lệch chuẩn) và P/B trượt cũng dưới trung bình 10 năm.
Một số báo cáo chiến lược của các công ty chứng khoán gần đây đánh giá P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu) của Việt Nam ở mức rất rẻ, quanh ngưỡng 12-14 lần.
Mức định giá kể trên được hỗ trợ chủ yếu từ lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm 2025. VietCap dự báo nhiều nhóm cổ phiếu có lợi nhuận tăng mạnh như công nghiệp (38%), dầu khí (33%), điện và nước (39%), hay nhóm tài chính (21%)...
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tăng “hàng hóa” tốt trên TTCK. Từ đó, TTCK Việt Nam mới có thể “hút” tiền từ vốn ngoại. Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cũng nhận định để thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi được nâng hạng có khả năng thu hút thêm dòng vốn lớn, vai trò của đầu tư tư nhân là rất quan trọng, đặc biệt trong việc phát triển các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn.
“Đầu tư tư nhân có khả năng thúc đẩy sự hợp nhất và mở rộng quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế, tài chính và sản xuất. Thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập hoặc mở rộng quy mô, các nhà đầu tư tư nhân giúp hình thành các doanh nghiệp lớn hơn, cạnh tranh hơn. Những doanh nghiệp này sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút thêm vốn đầu tư và đạt được vị trí dẫn đầu trong ngành. Khi các doanh nghiệp này được niêm yết trên TTCK, sẽ tạo ra cho TTCK một lượng hàng hóa chất lượng, góp phần tăng quy mô cho thị trường”, bà Phương chia sẻ.
Về phần mình, SGI Capital lại cho rằng định giá TTCK Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác, dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu. Cuối mỗi chu kỳ nới lỏng tiền tệ, sau khi dòng tiền và lượng lớn nhà đầu tư mới đã tham gia vào thị trường, cơ hội tốt sẽ trở nên khó tìm và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán cũng giảm bớt.
Dòng tiền sau đó sẽ bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng... Trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền và định giá chung không rẻ, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Sự phân hóa có thể diễn ra rất khắc nghiệt trong môi trường dòng tiền yếu của năm nay.