COP27: Chấm dứt nạn phá rừng
Cam kết chấm dứt phá rừng
Tại cuộc họp đầu tiên của Đối tác lãnh đạo về Lâm nghiệp và Khí hậu do Ghana và Mỹ chủ trì, hơn 25 quốc gia đã thành lập một nhóm cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và công bố hàng tỷ USD để tài trợ cho các nỗ lực của họ.
Cuộc họp này diễn ra một năm sau khi hơn 140 nhà lãnh đạo cam kết tại COP26 ở Anh là sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên các kết quả đạt được kể từ đó vẫn còn rất khiêm tốn khi chỉ có một số quốc gia đưa ra các chính sách tích cực hơn đối với nạn phá rừng và cung cấp tài chính.
Nhiều quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 |
Nhóm mới - bao gồm Nhật Bản, Pakistan, Cộng hòa Congo, Vương quốc Anh và những quốc gia khác - chiếm khoảng 35% rừng trên thế giới đã đặt mục tiêu nhóm họp hai lần một năm để theo dõi tiến độ. “Sự hợp tác này là một bước quan trọng tiếp theo để cùng thực hiện lời hứa này và giúp duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”, Alok Sharma của Anh - Người chủ trì các cuộc đàm phán tại COP26 cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cũng cho biết, khoảng 22% trong số 12 tỷ USD đầu tư công cam kết cho rừng vào năm 2025 theo các quỹ cam kết ở Glasgow cho đến nay đã được giải ngân.
Trong số các nguồn tài chính mới, Đức cho biết nước này sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho rừng lên 2 tỷ euro (1,97 tỷ USD) đến năm 2025. Tổng thống Gustavo Petro của Colombia - một thành viên của nhóm nói với hội nghị thượng đỉnh rằng nước này sẽ chi 200 triệu USD hàng năm trong 20 năm tới để cứu rừng nhiệt đới Amazon và kêu gọi các nước khác đóng góp.
Các công ty tư nhân cũng công bố số tiền tăng thêm 3,6 tỷ đô la. Họ bao gồm công ty đầu tư SouthBridge Group, tạo ra một quỹ trị giá 2 tỷ USD cho các nỗ lực khôi phục rừng ở châu Phi, khu vực có nhiều rừng mưa nhiệt đới nhất sau Nam Mỹ.
Trong khi Tập đoàn Volkswagen và Tập đoàn H&M đã đăng ký tham gia Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Liên minh này được thành lập tại COP26 trong đó các chính phủ và công ty trả cho các quốc gia có rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới để giảm khí thải.
Ecuador cũng trở thành quốc gia đầu tiên ký một biên bản thỏa thuận với Emergent - điều phối viên của liên minh nhằm đạt được một thỏa thuận thanh toán giảm phát thải ràng buộc được ký kết vào cuối tháng 4/2023. Hàn Quốc cũng đồng ý là chính phủ châu Á đầu tiên cung cấp tài chính cho liên minh, tham gia cùng các nhà sáng lập Anh, Na Uy và Mỹ.
“Nhu cầu là cấp bách - đối với khí hậu, đa dạng sinh học và những người sống phụ thuộc vào rừng”, Eron Bloomgarden - Giám đốc điều hành của Emergent cho biết.
Cần nâng giá carbon
Bên lề Hội nghị COP27, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói với Reuters rằng giá carbon cần tăng lên ít nhất là 75 USD/tấn trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này để các mục tiêu khí hậu thành công. Theo bà, tốc độ thay đổi của nền kinh tế thực vẫn còn “quá chậm”. Phân tích gần đây của nhóm Ngân hàng Thế giới cho thấy, tổng các cam kết quốc gia toàn cầu về giảm lượng khí thải gây hại cho khí hậu sẽ chỉ giảm 11% vào giữa thế kỷ này.
“Trừ khi chúng ta định giá carbon theo một quỹ đạo có thể đưa chúng ta ít nhất đến mức giá trung bình 75 USD/tấn carbon vào năm 2030, chúng ta chỉ đơn giản là không tạo ra động lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng thay đổi”, bà nói.
Trong khi một số khu vực như Liên minh châu Âu (EU) đã định giá carbon ở trên mức đó - giá chuẩn của EU là khoảng 76 euro/tấn - các khu vực khác như bang California của Mỹ, mức cho phép bán carbon chỉ dưới 30 USD/tấn, trong khi một số khu vực không có giá.
Song bà cũng thừa nhận, cần có những lộ trình khác nhau mà một quốc gia có thể thực hiện. Ví dụ, quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới, Mỹ, không có khả năng thiết lập giá quốc gia đối với carbon do phản đối chính trị gay gắt đối với thuế carbon và hệ thống mua bán phát thải. Tuy nhiên dù bằng cách nào, theo bà “điều quan trọng là giá cả tương đương”.
Bà trích dẫn đề xuất của IMF về mức sàn giá carbon và đề xuất được đưa ra bởi Đức về một “câu lạc bộ carbon” của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ điều phối cách các thành viên đo lường và định giá lượng khí thải carbon và cho phép hợp tác trong việc cắt giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực công nghiệp lớn nhất.
“Cho dù sẽ có một bước đột phá tại COP này hay sau đó, thì điều đó phải sớm bởi vì chúng ta hầu như không còn nhiều thời gian để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi này”, bà nhấn mạnh.