Covid-19 và cơ hội của nền kinh tế
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/2 | |
Khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp diễn biến dịch Covid-19 |
Thủ tướng chỉ đạo, cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể, ví dụ như chúng ta giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại phải giữ tăng trưởng ở mức nào. Từ đó, chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… sẽ phải như thế nào.
Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kéo theo đó là các ngành dịch vụ |
Không vội với mục tiêu tăng trưởng
Thực tế là trong nước đang phổ biến tình trạng cầm chừng trong sản xuất, trong kinh doanh. Chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp cho biết hiện tâm lý chung của doanh nghiệp là co cụm, nghe ngóng, không dám đầu tư, sản xuất phải cầm chừng vì lo thiếu nguyên liệu, vật liệu… Người lao động không yên tâm, lại thêm khó khăn khi học sinh phải nghỉ học dài ngày.
Với tình hình hiện nay, các kịch bản dự báo đều cho thấy khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Vì thế cũng đã có những ý kiến đề cập đến việc điều chỉnh hạ mục tiêu tăng trưởng. Bởi “mục tiêu tăng trưởng không phải là vấn đề thành tích, mà đi theo mục tiêu tăng trưởng luôn là vấn đề phân bổ nguồn lực”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Rõ ràng, dịch bệnh là nguyên nhân khách quan khiến khó đạt mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên lúc này mới là 2 tháng đầu năm, tất cả đang kỳ vọng vào việc dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất. Các kỳ họp Quốc hội đều khuyến nghị, Chính phủ phải cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường. Nếu bây giờ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là quá vội vàng, không thuyết phục. Nói chung phải đợi đến hết quý I, khi có kết quả GDP quý mới xem xét các kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Ở khía cạnh kinh tế, tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu có liên quan chặt chẽ đến các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối tài chính, tiền tệ, thương mại và đầu tư. Theo một số chuyên gia, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng lúc này là điều chỉnh cả các cân đối lớn, trong khi nền kinh tế đang rất cần các liều thuốc hỗ trợ như một thứ vitamin để phục hồi nhanh ngay sau khi dịch qua đi.
Giữ mục tiêu và luôn nỗ lực
Tăng trưởng GDP là mắt xích chính trong chuỗi các mắt xích quan trọng của nền kinh tế. Có một nhóm ý kiến cho rằng, giữ mục tiêu tăng trưởng là cách tốt nhất để níu sự nỗ lực của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Giảm mục tiêu, nguy cơ sẽ tạo tâm lý đuối sức cho nền kinh tế và không chỉ ảnh hưởng đến năm 2020 mà còn đến cả giai đoạn 5-10 năm sau, vực lại nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Theo kịch bản dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu khống chế được dịch Covid-19 trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,25% (quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%); nếu dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% (quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%).
Về bản chất, là khó đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, nhưng không phải là điều gì đó quá nặng nề, chúng ta trong quá khứ cũng đã một số lần không đạt. Nếu năm nay không đạt mục tiêu thì không phải là lý do điều hành, hoặc lý do chủ quan mà do khách quan, nên dù không đạt mục tiêu đặt ra là 6,8% thì không phải là vấn đề lớn. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng thì kết quả trên 6% thì vẫn là tích cực.
TS.Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, quan trọng là làm thế nào để tăng trưởng không sụt giảm, tăng trưởng sẽ trông vào đâu. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc đạt được mục tiêu như ban đầu là thách thức rất lớn. Tăng trưởng ở quý I, II về cơ bản sẽ bị tác động ngay. Nhưng sang quý III, quý IV nếu có những giải pháp tốt, hiệu quả thì cũng gỡ lại được phần nào, tránh được nguy cơ giảm sâu.
Về giải pháp, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải khơi thông đầu tư công, khắc phục ngay sự chậm trễ trong khởi công các dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn để vừa kích cầu nội địa hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2020 vừa tạo thêm năng lực phát triển cho các năm tiếp theo. Đồng thời, cần quyết liệt hơn về mức độ các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Cũng cùng quan điểm phải tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, phải khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, PGS. Trần Đình Thiên còn nhấn mạnh đến “thời cơ để cơ cấu lại”. Cơ cấu lại thị trường để không phụ thuộc. Cơ cấu lại nền kinh tế. Những sự chậm trễ, thiếu quyết liệt trong thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong những năm gần đây đang ngày càng bộc lộ rõ hệ lụy lớn, đẩy những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt lên cao hơn khi kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Và theo ông Thiên, phải tiếp tục củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu và giảm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế, trên nền tảng đó, đẩy mạnh cải cách, cơ cấu lại mạnh mẽ nền kinh tế và từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu và tập trung thay đổi thể chế.