CPTPP là “cái cớ” để tự cải cách phát huy nội tại của nền kinh tế
Tận dụng CPTPP, EVFTA để đưa nông sản Việt ra biển lớn | |
Doanh nghiệp Việt vẫn mơ hồ về CPTPP |
Đại điện Dự án Aus4Reform phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định này được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước.
Đến nay, nhiều chuyên gia đánh giá công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP đã cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi bổ sung năm 2019 không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nội tại của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết: Tỷ lệ tận dụng các FTA của Việt Nam đạt khoảng 39% năm 2018-2019. Hiệp định CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, một số thị trường. Những ngành có tỷ lệ tận dụng cao tại các FTA như thuỷ sản, dệt may, da giày… cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu trên nhiều thị trường.
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng tiếp tục phát triển vững chắc. Trong giai đoạn 2010-2019, thu hút FDI của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký và 7,4% về vốn thực hiện. Quy mô FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, năm 2019 là 20,4 tỷ USD.
Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh những cải cách thể chế liên quan đến môi trường. Dù Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về xây dựng và thực thi chính sách nhưng vẫn cần tích cực chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong CPTPP. Bởi CPTPP nằm trong những hiệp định thương mại có yêu cầu cao nhất liên quan đến môi trường, và nhìn chung phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường cũng như định hướng về phát triển bền vững.
Từ những kết quả lạc quan trong thời gian qua, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp khẳng định: Niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến đánh giá của một số chuyên gia, so với các nước trong CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàngthế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.
Các chuyên gia cho rằng việc thực thi hiệu quả hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP, cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.
Toàn cảnh hội thảo |
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng: CPTPP là tiêu chuẩn và định hướng cho nhiều cải cách thể chế, chính sách tại Việt Nam. Nhờ đó đặt ra những tiêu chuẩn bắt buộc đòi hỏi chúng ta phải tự mình cải cách kể cả những vấn đề khó như môi trường, sở hữu trí tuệ... Nó tạo ra sức ép về thời gian để hoàn thiện và thực hiện hiệu quả CPTPP, bởi mọi cải cách chúng ta đều đang làm nhưng nếu tự làm có thể là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Đây là động lực, là “cái cớ” không chỉ từ CPTPP và AVFTA để Việt Nam có những cải cách phát huy được nội tại của kinh tế trong nước.