Cuối năm, cảnh giác với tiền giả
“Nóng” với vấn nạn tiền giả
Thời điểm cuối năm, nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân thường có xu hướng tăng cao. Đây cũng là lúc các đối tượng lợi dụng để buôn bán, tiêu thụ tiền giả. Trên thực tế, cứ mỗi dịp năm hết tết đến, bên cạnh nỗi lo về hàng giả, hàng nhái thì vấn nạn tiền giả cũng làm không ít người phải canh cánh.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm tàng trữ và lưu hành tiền giả trên địa bàn miền Trung đang diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, được tổ chức xuyên các tỉnh, thành. Mới đây, cơ quan an ninh điều tra, công an TP. Đà Nẵng đã di lý các đối tượng liên quan đến đường dây làm, tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả về Đà Nẵng để hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Tang vật một vụ vận chuyển, tiêu thụ tiền giả bị công an phát hiện thu giữ |
Trước đó, chị N.T.Ph. trú quận Sơn Trà có bán cho hai thanh niên 1 điện thoại iPhone 11 Promax với giá 10,2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, chị Ph. phát hiện có 10 triệu đồng tiền giả. Ngay sau đó, nạn nhân đã trình báo công an quận Sơn Trà. Từ trình báo của chủ cửa hàng điện thoại, cơ quan công an TP. Đà Nẵng đã truy xét, làm rõ hai đối tượng Đoàn Văn Dương và Hồ Văn Tiện, đều trú xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có hành vi lưu hành tiền giả. Cơ quan công an cũng đã thu giữ 62 triệu đồng tiền giả.
Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận lên mạng tìm kiếm thông tin và mua tiền giả từ một đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp tục truy xét, công an Đà Nẵng đã bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Thị Cẩm Duyên và Nguyễn Như Phú, đều trú huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Đồng thời, cơ quan công an thu giữ toàn bộ công cụ, phương tiện mà đối tượng sử dụng để sản xuất cùng hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả. Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra công an Đà Nẵng cũng đồng thời kêu gọi đối tượng liên quan khác là Huỳnh Ngọc Thái, trú tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) nhanh chóng trình diện, khai báo để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Cũng tại miền Trung, cơ quan an ninh điều tra công an Phú Yên cũng đang mở rộng điều tra vụ án lưu hành tiền giả và trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự một số tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, để có căn cứ xử lý 2 đối tượng đang bị tạm giữ hình sự. Theo đó, hai nghi can là Nguyễn Ngọc Hiền, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) và Trần Văn Duy, trú tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, (Bắc Giang). Khi khám xét nơi Hiền, Duy đang lưu trú tại một khách sạn ở TP. Tuy Hòa, công an thu giữ một số công cụ, thiết bị xách tay có thể được sử dụng để làm tiền giả. Bước đầu công an xác định 2 nghi can này đã thực hiện 4 vụ lưu hành tiền giả ở huyện Phú Hòa và TP. Tuy Hòa...
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Theo cơ quan điều tra, để tiêu thụ tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, cũng như sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người bán hàng. Các thủ đoạn thường sử dụng như, tiêu thụ tiền giả vào lúc trời tối, ở các khu dân cư đông đúc, chợ tự phát... Các đối tượng thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già… nơi người dân ít có thông tin về tiền giả. Trước khi mua hàng đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả. Nhiều tờ tiền giả được sản xuất, làm giả khá tinh vi. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng tiền giả thường không mang theo nhiều tiền để phòng trường hợp bị phát hiện thì lấy lý do không biết là tiền giả hoặc do nhầm lẫn, để tránh sự suy xét của pháp luật.
Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư Đà Nẵng, hành vi sản xuất, tiêu thụ tiền giả sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Cụ thể, theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Trường hợp phạm tội tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. Còn phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản... Tuy vậy, do lòng tham nên nhiều đối tượng vẫn liều mình tìm cách sản xuất, tiêu thụ tiền giả. Bởi vậy, để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nắm rõ các đặc điểm của tiền thật để hạn chế các rủi ro khi giao dịch. Đặc biệt, cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng công an và cơ quan chức năng đấu tranh đối với loại tội phạm nguy hiểm này...
Về phía cơ quan chức năng, mới đây Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã ra khuyến cáo các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm ngăn ngừa hành vi tiêu thụ, lưu hành tiền giả tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trong dịp mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhằm giúp người kinh doanh, hộ tiểu thương nâng cao ý thức cảnh giác, đặc biệt là trong dịp mua sắm cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm nay, Sở Công thương thành phố khuyến cáo các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tăng cường thông tin, tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ, lưu hành tiền giả để người dân, khách hàng đề phòng, không trở thành nạn nhân của các đối tượng tiêu thụ tiền giả.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng khuyến cáo tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng thanh toán điện tử tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nhân rộng mô hình chợ không dùng tiền mặt đang áp dụng tại chợ Cồn, chợ Hàn đến các chợ trên địa bàn thành phố nhằm góp phần ngăn chặn hành vi tiêu thụ tiền giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố cũng phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường việc thanh toán hạn chế dùng tiền mặt, mà sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng thanh toán điện tử (chuyển khoản, quét mã VNPay, ví điện tử...).