Tuyên truyền pháp luật đất đai là nhiệm vụ trọng tâm
Quang cảnh hội nghị |
Ngày 15/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Lê Hồng Phong, Hà Nội), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Thực hiện Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, ngay từ cuối tháng 8/2024, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông: Tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, xuất phát từ yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và trên cơ sở tình hình trên, dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối thoại: Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Hội nghị gồm 02 phiên: Áp dụng hiệu quả Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản: Giải đáp những băn khoăn của địa phương, doanh nghiệp; Áp dụng hiệu quả Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản: Giải đáp những băn khoăn của địa phương, doanh nghiệp.
Hội nghị Đối thoại là nội dung đầu tiên trong Đề án truyền thông Tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức.
TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, khi các Luật bắt đầu đi vào thực tiễn cuộc sống, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là về những đổi mới trong chính sách pháp luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhất là về quyền tiếp cận đối với đất đai, nhà ở; quyền lợi, nghĩa vụ, quan tâm của nhà nước đối với đối tượng chính sách xã hội; phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính; ưu đãi, thu hút đầu tư, giá đất… để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật; Đồng thời, xây dựng các ấn phẩm về pháp luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, cẩm nang hỏi đáp, để phổ biến rộng rãi trong nhân dân các vùng, miền trong cả nước.
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, có nhiều điểm mới đáng chú ý trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đơn cử liên quan đến vấn đề quyền của người sử dụng đất: cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là “cá nhân” sử dụng đất. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam ngoài được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thì Luật mới còn cho phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết, bảng giá đất hàng năm sẽ là tiền đề để việc định giá đất sát với giá thị trường, đồng thời tháo gỡ các bất cập, đặc biệt là hiện tượng hai giá. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án…
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026 bảng giá đất tại một số địa phương dự kiến sẽ tăng từ 2 - 7 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với bảng giá đất hiện tại.