Đa dạng mô hình vay vốn thoát nghèo ở Mù Cang Chải
Nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mặt biển, địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên các sườn núi trải dài, mái dốc, huyện Mù Cang Chải gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, với sự vào cuộc mạnh của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể địa phương, cùng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ mà nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh các mô hình sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo.
NHCSXH Mù Cang Chải luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay |
Hộ ông Vàng A Công, bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông trước đây thuộc diện hộ nghèo, gia đình có 9 khẩu, thu nhập chủ yếu từ trồng lúa nên rất khó thoát nghèo. Từng được đào tạo chuyên ngành thú y, có kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi nên khi được hội đoàn thể địa phương tư vấn, ông Công vay vốn từ NHCSXH phát triển kinh tế hộ, giúp gia đình mở được cánh cửa thoát nghèo. Đầu năm 2017, ông Công vay 50 triệu đồng của NHCSXH để phát triển mô hình nuôi gà đen. Đến nay, gia đình ông đang nuôi 700 con gà thịt, sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, homestay trên địa bàn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình hàng năm trên 100 triệu đồng.
Cũng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình ông Vừ A Tủa, ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn lại đầu tư nuôi trâu bò sinh sản. Ông Tủa kể, năm 2004, ông bàn với gia đình đăng ký vay vốn và được duyệt cho vay số tiền là 15 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản.
Do áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt nên 2 con trâu của gia đình lớn nhanh, sau 1 năm đã sinh sản lứa đầu tiên. Mô hình này của gia đình ông Tủa ngày một được mở rộng và đến năm 2019 đã có 13 con trâu, 17 con bò. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả mà kinh tế gia đình ông đã khá giả hơn; nhà mới khang trang, rộng rãi, mua sắm đầy đủ các trang thiết bị đồ dùng gia đình, trở thành hộ thoát nghèo bền vững của xã Hồ Bốn.
Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH huyện Mù Cang Chải đạt hơn 343 tỷ đồng với 7.617 khách hàng đang vay vốn.
Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 18.050 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 13.906 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, giúp cho trên 1.400 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 880 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.275 căn nhà cho hộ nghèo. Nguồn vốn cũng góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,4 triệu đồng/người năm 2002 ước tính lên 20,4 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 10 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 23,8%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, nhờ sự hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội mà đã hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mù Cang Chải, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.