Đà Nẵng: 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được giải quyết
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập.
Chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, xây mới, sửa chữa nhà ở, bố trí chung cư cho hộ nghèo được thực hiện tốt. Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập nâng lên, đời sống của đại bộ phận của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện trên nhiều mặt.
Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho 2.904 cán bộ tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố về công tác giảm nghèo về quy trình rà soát hộ nghèo hằng năm, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thời gian qua, Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo. |
Các đơn vị, địa phương vận động hỗ trợ khám, chữa bệnh, khám sàng lọc, hỗ trợ giảm viện phí, chi phí khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 23.463 lượt người nghèo với kinh phí 9,46 tỷ đồng.
Cùng với đó, Đà Nẵng ban hành chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo theo chuẩn thành phố được hỗ trợ 20% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện sau khi trừ đi phần hỗ trợ của bảo hiểm xã hội. Điều này tạo điều kiện cho những đối tượng yên tâm hơn trong tiếp cận với chính sách hỗ trợ về y tế để điều trị bệnh.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục cũng được TP. Đà Nẵng mở rộng đối tượng hỗ trợ đến con, cháu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non, giáo dục phổ thông, trung học. Vậy nên, có 100% con hộ nghèo được tiếp cận với chính sách hỗ trợ về giáo dục và tạo điều kiện để con hộ nghèo mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, góp phần giảm tỷ lệ thiếu hụt về tình trạng bỏ học của trẻ em trong độ tuổi đang đi học.
Hàng năm, các địa phương xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ nhà ở; kết quả đã hỗ trợ xây mới 248 nhà với kinh phí 12,7 tỷ đồng, sửa chữa 961 nhà với kinh phí 17,45 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách miễn giảm tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được mở rộng đến chuẩn thành phố. Các thủ tục hồ sơ miễn giảm thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tiếp cận nhanh với chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Đà Nẵng phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương tiến hành thẩm định và giải ngân cho 3.677 lượt hộ vay vốn (1.077 hộ nghèo, 800 hộ cận nghèo và 1.200 hộ mới thoát nghèo) có điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tăng thu nhập với tổng số tiền 171,79 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, thoát nghèo, hộ cận nghèo ước đến 30/12/2023 khoảng 250 tỷ đồng.
Qua thực hiện cho thấy, 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ giải quyết. Đồng thời, các hội đoàn thể kết hợp hướng dẫn cách làm ăn để các hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đúng mục đích, hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống, tạo động lực khuyến khích các hộ ý thức vượt lên những khó khăn trong cuộc sống để thoát nghèo bền vững.
Đà Nẵng đang tập trung huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững |
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng, hiện số người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề còn thấp; các mô hình giải quyết việc làm nhỏ lẻ, chưa thu hút được người nghèo, người thuộc hộ thu nhập thấp tham gia.
Đồng thời, cần khắc phục những hạn chế như tình trạng một số chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác giảm nghèo, chưa có sự tập trung chỉ đạo huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tình trạng thoát nghèo theo chỉ tiêu ở vài địa phương vẫn còn xảy ra dẫn đến chất lượng hộ thoát nghèo chưa thật sự bền vững.
Cùng với đó, một bộ phận hộ nghèo chưa chủ động có ý thức vươn lên thoát nghèo; một số địa phương rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa sát với thực tế, vẫn còn trường hợp thật sự nghèo nhưng chưa được đưa vào danh sách quản lý hỗ trợ.
Do đó, ông Cường đề nghị các sở, ngành, hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong tham mưu các chính sách, giải pháp để hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, việc làm... Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững; thực hiện xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Hướng dẫn đầy đủ kịp thời các chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; có sự kiểm tra, giám sát trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo đảm bảo đúng quy định.
Ông Cường nhấn mạnh, các sở, ngành, hội, đoàn thể cần tập trung thực hiện các giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững về hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu, tạo việc làm, xuất khẩu lao động...
Cùng với đó, nâng cao nhận thức về giảm nghèo và tiếp tục huy động nguồn lực xã hội từ Quỹ Vì người nghèo, các chương trình, dự án khác tập trung ưu tiên cho công tác giảm nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra vào năm 2025; không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, hạn chế tình trạng giảm nghèo nhanh, thoát nghèo không bền vững, tái nghèo…