Đà Nẵng: Đẩy mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Theo Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, hiện địa phương có hơn 48.000 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 5% dân số thành phố, chủ yếu tập trung tại huyện Hoà Vang. Nông dân TP. Đà Nẵng tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngư dân luôn vươn khơi, bám biển; duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu, 4 nghiệp đoàn nghề cá với 473 đoàn viên là chủ tàu, thuyền viên.
Nông nghiệp Đà Nẵng chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao phục vụ đô thị và du lịch |
Thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua nông nghiệp Đà Nẵng chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao phục vụ đô thị và du lịch.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp TP. Đà Nẵng tập trung thực hiện 3 lĩnh vực mũi nhọn gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ và phát triển rừng gắn với trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn để đảm bảo phát triển bền vững, khôi phục kinh tế và tạo sự tăng trưởng bền vững.
Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Phó chủ tịch Hội nông dân TP. Đà Nẵng, công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai gắn với quy hoạch chung thành phố. Sản xuất lúa chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích 345ha.
Phát triển sản xuất rau an toàn ổn định 42,73ha diện tích chuyên canh, tập trung, trong đó có hơn 13,54ha ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 4ha; có 48,25ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGap; vùng trồng cây chuyên canh với diện tích 130ha.
Cùng với đó, sản xuất các loại nấm và chế biến sản phẩm từ nấm có sự đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, giá trị kinh tế cao góp phần phát triển nông nghiệp đô thị.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm quan mô hình sản xuất hoa lan trong đô thị tại TP. Đà Nẵng |
Đối với phát triển thủy sản theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, Đà Nẵng đã có bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền theo hướng vươn khơi, phát triển nghề cá hiện đại, đảm bảo đúng quy định quốc tế về khai thác theo IUU.
Đà Nẵng đã ban hành chính sách nhằm tập trung phát triển ngành thủy sản từ khai thác theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, bền vững; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực. Ngư dân tích cực thực hiện chủ trương cải biến đóng mới tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, số tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên địa bàn 1.241 chiếc, nuôi trồng thủy sản đạt diện tích 227,7ha. Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt hàng năm khoảng 37.500 tấn.
Lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích đất rừng 66.353,85ha, trong đó đất có rừng 63.044,15ha; tỷ lệ che phủ rừng 45,5%; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, triển khai trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn trên địa bàn.
Các địa phương có rừng tích cực thực hiện việc giao đất rừng sản xuất cho người dân quản lý, trồng và khai thác; công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường, hiệu quả từ mô hình kinh tế rừng tăng lên. Lĩnh vực chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, theo hướng hữu cơ, đệm lót sinh học gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hàng năm hơn 209.000 con.
Triển khai nhiều mô hình hiệu quả
Tuy vậy, theo Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. Quy mô sản xuất còn nhỏ, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình; DN nông nghiệp, trang trại chưa nhiều.
Đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao triển khai chậm. Năng lực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp đa dạng nhưng số lượng ít, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao; chi phí đầu vào, giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định. Hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân còn khó khăn do biến động giá cả nguyên nhiên liệu, diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình an ninh trên biển.
Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nấm tại Đà Nẵng |
Trong bối cảnh khó khăn chung, Hội Nông dân TP. Đà Nẵng tích cực triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Kim Dũng chia sẻ, thời gian qua, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được chú trọng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, phối hợp của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội, sự hưởng ứng của hộ gia đình hội viên, cơ sở sản xuất và DN. Phong trào đem lại nhiều kết quả thiết thực, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan toả trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nông dân thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, góp phần đổi mới hợp tác xã nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, liên kết “4 nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học).
Nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiên phong trong ứng dụng khoa học - công nghệ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư với quy mô sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa và lợi nhuận. Các “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tích cực trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, với giá trị 53 tỷ đồng để giúp đỡ cho 4.000 lượt hộ nghèo; giúp 1.800 hộ nông dân thoát nghèo, có thu nhập, việc làm ổn định.
Trong 5 năm qua, có 26.500 lượt hộ nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, đạt danh hiệu cấp thành phố và trung ương chiếm 6%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 70%. Nhiều gương điển hình “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được thành phố, trung ương biểu dương, khen thưởng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đem lại nhiều kết quả thiết thực, có sức lan toả trên nhiều lĩnh vực |
Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng Nguyễn Hữu Thiết cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các quận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất tại các địa phương.
Cùng đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, nâng cao năng lực làm chủ của nông dân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của thành phố.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; nhất là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.