“Mỏ vàng xanh” đang dần lộ diện ở Gia Lai
Điều đáng ghi nhận của Gia Lai là các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh, tập trung vào các cây trồng chủ lực như cà phê, chanh dây, sầu riêng, chuối, bơ, hồ tiêu, dược liệu, mía đường… Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tại Gia Lai trong tương lai gần.
Vùng đất nhiều tiềm năng
Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đỏ bazan màu mỡ và quỹ đất rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Địa phương này sở hữu một hệ thống sông suối dồi dào, cùng với lượng mưa lớn và độ ẩm cao. Đó là những yếu tố quan trọng giúp các loại cây trồng phát triển tốt. Bên cạnh đó, khí hậu mát mẻ quanh năm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây ăn quả, rau màu, hoa, và dược liệu phát triển mạnh.
Gia Lai đang chú trọng phát triển các vùng chuyên canh, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản |
Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Gia Lai đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Gia Lai đang chú trọng phát triển các vùng chuyên canh, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, đồng thời đảm bảo tính bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, những năm qua, ngành Nông nghiệp thực hiện nhiều chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chính quyền địa phương đã xác định sản xuất rau, hoa và cây ăn quả là những ngành nông sản chủ lực có lợi thế so sánh, có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm này dự báo sẽ tiếp tục tăng, mở ra cơ hội lớn cho ngành nông sản của tỉnh.
Đặc biệt, Gia Lai đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước. Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ dành khoảng 120.000ha đất để thực hiện đề án, với giá trị sản xuất dự kiến hơn 54.370 tỷ đồng vào năm 2030; đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản khoảng 500-600 triệu USD vào năm 2030, gấp đôi so với mức hiện tại.
Để thực hiện các mục tiêu này, Gia Lai đã tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, chế biến nông sản, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Hiện Gia Lai đã xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chủ động hỗ trợ về thủ tục hành chính, đất đai, thuế và cơ sở hạ tầng.
Chính sách đúng tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
Thực tế, Gia Lai đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Một trong những dự án tiêu biểu là khu nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Nafood Group tại TP. Pleiku (Gia Lai), sản xuất giống chanh dây và chế biến chanh dây với công suất lên đến 350 tấn/ngày. Dự án này không chỉ góp phần cung cấp sản phẩm nông sản chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương.
Ngoài Nafood Group, một trong những doanh nghiệp nổi bật khác là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đã đầu tư vào trang trại cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (Gia Lai), với diện tích khoảng 45ha. Trang trại không chỉ sản xuất cà phê hữu cơ đạt tiêu chuẩn Mỹ mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê của tỉnh Gia Lai.
Song song với đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động chế biến cũng được các doanh nghiệp nâng tầm để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp |
Cùng đó, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã đầu tư vào khu sản xuất giống chanh dây tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, với diện tích hơn 12ha, trong đó 8ha là nhà màng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Ngoài các dự án sản xuất giống cây trồng, Gia Lai cũng đã thu hút các dự án sản xuất nông sản chế biến sâu. Điển hình như Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, với dự án trồng chuối già hương tại huyện Đak Đoa. Hiện dự án này đã phát triển diện tích lên tới 216ha. Sản phẩm chuối của doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP và xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Qatar, Israel, mang lại doanh thu lớn cho địa phương.
Những dự án này giúp Gia Lai khai thác hiệu quả tiềm năng nông sản. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Để có được những “quả ngọt”, chính quyền tỉnh Gia Lai luôn chú trọng thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tích cực xây dựng các cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng và thuận lợi. Vấn đề được các doanh nghiệp ghi nhận, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và triển khai dự án. Các chính sách về thuế, đất đai và hỗ trợ đầu tư được thực hiện kịp thời, minh bạch, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn.
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai không chỉ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi mà còn có thể tiếp cận một nguồn lao động dồi dào, sẵn sàng học hỏi và tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Theo ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, Gia Lai tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Đặc biệt trong các lĩnh vực như dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, trung tâm giống cây trồng và các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông sản. Dự kiến sẽ triển khai một số dự án lớn như: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Chư Gu, Phú Cần, Ia Mláh, huyện Krông Pa, với diện tích 1.000 ha và tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng…
Gia Lai đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính sách đầu tư thông thoáng và sự đồng lòng của chính quyền địa phương, tỉnh Gia Lai đang tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích kinh tế; có nhiều đóng góp vào việc phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong tương lai gần.