Đà Nẵng: Tăng cường ngăn chặn gian lận trên thương mại điện tử
Lợi dụng thương mại điện tử để gian lận
Trong thời đại công nghệ số, thương mại điện tử không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mà còn tiềm ẩn những gian lận phức tạp. Ngoài bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, các lực lượng chức năng tại Đà Nẵng còn không ngừng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6, (Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng), đã phát hiện, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đã thực hiện hành vi vi phạm: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, tổng số tiền xử phạt 45 triệu đồng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng), cũng đã tiến hành xử phạt 2 hộ kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu, khi không thông báo website thương mại điện tử với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Cụ thể, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh linh kiện điện tử S, địa chỉ tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu và hộ kinh doanh P.T.H.Y, địa chỉ tại phường Hòa Khánh Nam cũng ở trên địa bàn quận Liên Chiểu, đang hoạt động và bán các sản phẩm linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi có giỏ hàng, và chức năng đặt hàng trực tuyến… Song, không thông báo website thương mại điện tử với cơ quan nhà nước theo đúng quy định. Qua làm việc, chủ của hai hộ kinh doanh đều thừa nhận hành vi vi phạm.
Tình hình gian lận thương mại điện tử ở Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp. |
Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng), cũng phát hiện, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp trên địa bàn quận Thanh Khê, có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, thông qua công tác quản lý địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 3 đã xây dựng phương án kiểm tra và ban hành quyết định kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Thiết bị an ninh và Viễn thông T.M, có địa chỉ ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê.
Qua công tác kiểm tra ghi nhận Công ty TNHH Thiết bị an ninh và Viễn thông T.M kinh doanh mặt hàng máy bộ đàm các loại. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện công ty có thiết lập một trang website với địa chỉ https://www.bodamchinhhang.vn để làm trang website thương mại điện tử bán hàng. Trang website này có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định của pháp luật…
Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 1.900 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm/dịch vụ trên sàn thương mại điện tử thành phố tại website danangtrade.com.vn. Trong khi đó, đối với các mặt hàng tiêu dùng khác như, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… hầu như được các đơn vị kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử khác, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với hình thức kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, nhiều website thương mại điện tử không hiển thị những thông tin về đơn vị đang sở hữu website; hoặc không công khai địa điểm kinh doanh; không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ không đúng; hoặc sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, xóa bỏ dấu vết giao dịch… Điều này, khiến lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác xác minh thông tin để tổ chức kiểm tra, xử lý. Các gian hàng trên mạng dễ tạo ra nhưng cũng dễ xóa đi, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc truy vết người bán hay kho hàng. Bên cạnh, một bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen ưu tiên mua hàng giá rẻ trên mạng, tạo điều kiện để gian lận thương mại có điều kiện phát triển.
Đà Nẵng đã và đang tăng cường đấu tranh, ngăn chặn gian lận trong thương mại điện tử. |
Đấu tranh ngăn chặn gian lận trên thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng tăng cường kiểm tra xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, các dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh trên địa bàn thành phố….
Qua 2 năm thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 84 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử với số tiền xử phạt gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã xử phạt 69 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả trong phát hiện vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng tăng cường công tác trao đổi, tiếp nhận thông tin để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Điển hình đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố trao đổi danh sách các website đăng ký bán hàng làm cơ sở cho công tác xác minh thông tin, kiểm tra xử lý vi phạm…
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương, UBND TP. Đà Nẵng, Tổng cục Cục Quản lý thị trường liên quan đến công tác quản lý thị trường trong hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh phù hợp trong từng thời điểm. Kịp thời kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại.
Sự quyết tâm và nỗ lực của các lực lượng chức năng tại Đà Nẵng không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tạo động lực cho nền kinh tế tế số địa phương ngày càng sôi động, lành mạnh.