Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn
Kiến tạo môi trường thuận lợi
Để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, một lĩnh vực công nghệ chiến lược, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Đến năm 2030, Đà Nẵng không chỉ hướng tới việc trở thành đô thị hiện đại mà còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm quan trọng về công nghệ cao, trong đó vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong năm ngành công nghiệp trọng điểm, có vai trò tạo ra sức bật mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Ngày 26/6/2024, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15, với những chính sách những ưu đãi đầu tư vượt trội dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao tại Đà Nẵng.
Trên cơ sở các nghị quyết này, UBND TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, với hàng loạt giải pháp thúc đẩy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghệ vi mạch…
Lãnh đạo thành phố đã thực hiện các chuyến công tác đến Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 11/2023 và tháng 2/2024, tiếp xúc và làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm và Intel… Qua các chuyến công tác này, thành phố đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm trong ngành vi mạch bán dẫn, đồng thời quảng bá tiềm năng của Đà Nẵng như một điểm đến đầu tư công nghệ cao hấp dẫn tại Việt Nam. Để tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo, Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, mở ra cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực này.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp tham gia thiết kế vi mạch, với những cái tên tiêu biểu như Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas và Synapse, quy tụ đội ngũ hơn 550 kỹ sư đã được đào tạo bài bản. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư, trong đó gồm 2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc trong các khâu đóng gói, kiểm thử sản phẩm vi mạch. Đây là nỗ lực lớn nhằm chuẩn bị một nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đà Nẵng tích cực xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị điều kiện hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… cho ngành vi mạch bán dẫn. |
Về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng hiện có một Khu Công nghệ cao và ba Khu Công nghệ thông tin tập trung. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút và triển khai các dự án trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Công viên Phần mềm số 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024, đáp ứng nhu cầu làm việc cho hơn 6.000 lao động. Ngoài ra, thành phố đang xúc tiến đầu tư thêm ba khu công nghệ thông tin mới, đồng thời đầu tư nâng cấp hạ tầng về mạng cáp quang quốc tế, điện, giao thông và logistics để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, sau hơn 1 năm từ khi Đà Nẵng triển khai những bước đi cụ thể về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, thành phố đã đạt những kết quả bước đầu trong xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị điều kiện và hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Để hoàn thiện chính sách phát triển, UBND thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu xây dựng ba nghị quyết hỗ trợ phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm 2024 và áp dụng từ đầu năm 2025. Các nghị quyết này tập trung vào việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của thành phố trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong hội thảo tham vấn chuyên gia do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo ba nghị quyết chính sách, gồm: Nghị quyết về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; nghị quyết về xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để hưởng các chính sách ưu đãi thuế trong vòng 5 năm; và nghị quyết hỗ trợ khai thác, quản lý hạ tầng thông tin.
Đà Nẵng được nhận định là điểm sáng về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. |
Ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc Synopsys Việt Nam cho rằng Đà Nẵng nên chú trọng hơn vào việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời mở rộng chính sách hỗ trợ về nơi cư trú cho các chuyên gia vi mạch bán dẫn quốc tế đến làm việc tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn của Đà Nẵng đối với các chuyên gia công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, theo TS. Huỳnh Ngọc Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng), thành phố cần tham khảo các tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp vi mạch bán dẫn của các tỉnh, thành phố đã triển khai; phân chia từng lĩnh vực thuộc nhóm ngành cụ thể để hỗ trợ.
Đà Nẵng xác định rõ rằng việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch và trí tuệ nhân tạo không chỉ là nhiệm vụ mang tính ngắn hạn mà còn là mục tiêu dài hạn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực kiên trì. Thành phố đã cam kết sẽ xây dựng các chính sách sát với thực tiễn, nhằm đảm bảo các nghị quyết được thực thi một cách hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.