Đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết đẩy nhanh xây dựng cao tốc Bắc - Nam
Nhiều đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế khi cho rằng, Dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng quy định đồng thời cho rằng, cần thiết phải đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua dù chúng ta nỗ lực nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao và một trong những điểm nghẽn chính là yếu kém kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường |
Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đồng ý với đề xuất này trong bối cảnh hiện nay cũng như sự cấp thiết sớm hoàn thành dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, song theo ông Vũ Tiến Lộc, đầu tư công toàn bộ là “cực chẳng đã”.
“Tôi và cử tri hụt hẫng và tiếc nuối. Tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm là hợp nhẽ. Tuy nhiên, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, Chính phủ dẫn dắt với sự chung tay của tư nhân. Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) thì Đảng có chủ trương, Quốc hội ban hành luật nhưng ngay sau khi có luật thì 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh dự án PPP quay lại đầu tư công, như vậy là không thành công chính sách”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, lỗi không phải do PPP mà do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hoà” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân. Do vậy, các dự án khác hay các dự án thành phần khác của dự án này cần có đề xuất sửa đổi quy định chính sách để thu hút tư nhân tham gia. Chính phủ có thể “tiếp sức” qua việc lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vay xây dựng giao thông thay vì Nhà nước tự mình đầu tư.
Chính phủ có tính phương án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước (đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng). Tuy nhiên, chất lượng công trình sẽ quyết định có hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân nhận nhượng quyền hay không, do đó phải đặc biệt quan tâm chất lượng dự án.
Trước đó, thẩm tra về sự phù hợp của Dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan, Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch và phát huy hiệu quả đầu tư.
Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, trong khi nguồn thu chủ yếu có thể sụt giảm mạnh do tác động của nhiều yếu tố, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.
Một số ngân hàng thương mại và nhà đầu tư thực hiện dự án giao thông BOT thời gian qua cũng cho rằng: Hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thiếu ổn định; Những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; Lưu lượng xe thực tế của các dự án giao thông BOT thấp hơn so với phương án tài chính. Vì vậy, các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư quan ngại việc tiếp tục đầu tư các dự án giao thông BOT sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu.
Có ý kiến cho rằng Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nên cần tiếp tục quán triệt chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. Theo đó, cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư Dự án.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo Kế hoạch. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức PPP để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư, có ý kiến đề nghị thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ Dự án, bổ sung, làm rõ về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của Dự án và so sánh với các dự án tương tự.
Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. UBKT nhận thấy, Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, do đó cần tập trung ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình để bảo đảm tiến độ cho Dự án. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022 – 2023 và sắp xếp lại Kế hoạch để bố trí vốn thực hiện Dự án trong giai đoạn 2024 – 2025.