Đắk Nông: Đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật
Ảnh minh họa |
Theo đó, kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn 2021 đến 2030, tập trung mọi nguồn lực để quản lý, bảo vệ tốt 196.385 ha rừng tự nhiên; giảm thiểu đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt loài động thực vật nguy cấp, bị đe dọa, các loài đặc hữu và các loài quan trọng khác trong những khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
Đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 40%; 85% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý theo phương án rừng bền vững; rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới của 100% diện tích giao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cho thuê dịch vụ môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng; tăng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và các nguồn thu khác phù hợp với quy định pháp luật, tổng tiền thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.
Đến năm 2030, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi có trồng bổ sung 7.470 ha; trồng rừng tập trung, nông lâm kết hợp, trồng cây phân tán 11.080 ha; tiếp tục duy trì bảo vệ và phát triển diện tích rừng trồng cây đặc sản, đa mục đích ngoài quy hoạch lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng của đạt trên 42%; 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới của 100% diện tích giao, cho thuê cho các tổ chức quản lý theo quy định.
Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cho thuê dịch vụ môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái; phát triển kinh tế rừng, tăng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và các nguồn thu khác bình quân 5%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu lâm sản tăng từ 1,5 - 2 lần so với năm 2020.
Đến năm 2050, phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật có hiệu quả, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; đảm bảo môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu; cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh.
Được biết, để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp UBND cấp tỉnh điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch tại địa phương; chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Trung ương và tỉnh đã ban hành; xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phát triển lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương; đồng thời nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả kế hoạch phát triển lâm nghiệp của địa phương.