Năm 2025 ít nhất 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tại TP. Hồ Chí Minh
Mỗi huyện phấn đấu có ít nhất 50% số xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, các xã còn lại rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn.
TP. Hồ Chí Mnh phấn đấu đến cuối năm 2025 ít nhất có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn |
Theo đó, trong năm 2024, thành phố phấn đấu có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Củ Chi có ít nhất 2/ tổng số 20 xã, huyện Hóc Môn có ít nhất 3/10 xã, huyện Bình Chánh có ít nhất 1/14 xã, huyện Nhà Bè có ít nhất 1/6 xã. Đến cuối năm 2025, thành phố phấn đấu các huyện có thêm ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để nâng tổng số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đạt ít nhất 50% tổng số xã của các huyện.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; có kinh tế xã hội phát triển đồng bộ; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa nông thôn được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự đảm bảo; nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2025 là căn cứ để các cơ quan, ban, ngành, huyện, xã xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Để thực hiện được kế hoạch này, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương cần hoàn thành nội dung báo cáo rà soát quy hoạch chung xây dựng xã, thống kê các vị trí chức năng quy hoạch khác so với quy hoạch cấp trên để đề xuất phương án giải quyết; đề xuất bố trí khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất; báo cáo thống kê rà soát các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu được xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng cho rằng khu vực nông thôn trong đô thị cần định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống thực hiện theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; cần phải có các giải pháp tiết kiệm đất xây dựng, tiến hành chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện có, mở rộng và xây dựng khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa nông thôn. Khu vực chưa có các dự án đầu tư phát triển đô thị thì thực hiện, phát triển theo các tiêu chí nông thôn mới, nhưng phải đảm bảo phù hợp định hướng phát triển đô thị; khi có dự án phát triển đô thị thì sẽ tiếp tục thực hiện theo các tiêu chí đô thị…
Thành phố cũng yêu cầu các đại phương tập trung thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương, đảm bảo có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; đầu tư mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng....); tuyên truyền, vận động kinh phí xã hội hóa đầu tư, nâng cấp chất lượng mạng wifi tại các khu vực công cộng trên địa bàn...
“Trong phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, các địa phương cần có mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cũng phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử nhằm kết nối các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn, chất lượng trên các sàn thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng các giải pháp công nghệ số và các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản…”, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo.