Đắk Lắk: Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả tích cực
Tiếp lửa tín dụng chính sách miền nắng gió Cần Thơ đẩy mạnh hiệu quả tín dụng chính sách |
Phát huy tốt vai trò “bà đỡ”
Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực sự mang lại hiệu quả, phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, giúp hàng chục ngàn hộ gia đình có vốn để sản xuất, kinh doanh vượt lên thoát nghèo. Qua đó, có sự đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương...
Tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, giúp hàng chục ngàn hộ gia đình có vốn để sản xuất, kinh doanh vượt lên thoát nghèo. |
Để có được kết quả đó, chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác. Ông Đào Thái Hoà, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho hay, để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa phương, thời gian qua, chi nhánh đã tích cực làm việc với các Sở, ban, ngành liên quan; đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 422,141 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6% trên tổng nguồn vốn thực hiện; tăng hơn 56,6 tỷ đồng so với cuối năm 2022, đạt 108,9% kế hoạch Ban đại diện HĐQT tỉnh Đắk Lắk giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh Đắk Lắk 30 tỷ đồng; nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 22 tỷ đồng; có 15/15 đơn vị hoàn thành kế hoạch nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương.
Với sự quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đắk Lắk hơn 7.117 tỷ đồng, tăng 786,9 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 12,43%, với trên 167.000 hộ vay còn dư nợ.
Trong đó, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo khoảng 3.771 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 53,79%, tăng 371,4 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Đây là chương trình có dư nợ cao nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai trên địa bàn.
Đối với cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 đạt dự nợ trên 74,241 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,06%, tăng 56,6 tỷ đồng so với năm 2022.
Có 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân 5.062 món vay, với số tiền trên 302,2 tỷ đồng. Các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã phát huy hiệu quả tích cực.
Đơn cử như, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 4.410 lao động, số tiền 235 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được 117 hộ, số tiền hơn 41,3 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập được 82 học sinh, sinh viên, số tiền 918 triệu đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 48 cơ sở, với số tiền trên 2,7 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trên 74,2 tỷ đồng, với 405 khách hàng.
Các đối tượng đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay
Theo ông Hoà, năm 2023, để đạt hiệu quả cao nhất trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, chi nhánh chủ động bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, của NHCSXH và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách để góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và thực hiện an sinh xã hội.
Hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% số xã, phường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk |
Đặc biệt, chủ động tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn…
Đồng thời, tăng cường công tác tham mưu Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, UBND tỉnh Đắk Lắk và 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển sang NHCSXH số tiền hơn 56,6 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lên hơn 422,1 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, chi nhánh cùng các tổ chức chính trị xã hội tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay và giải ngân vốn, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ gia đình và các đối tượng được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% hơn 1.342,4 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ lãi suất, với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng.
Trong khi, chất lượng tín dụng tiếp tục được đảm bảo và duy trì ở mức cho phép, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn chi nhánh khoảng 0,14%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra duy trì dưới 0,2%; chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách toàn tỉnh Đắk Lắk có 15/15 phòng giao dịch và 183/184 xã, phường đạt loại tốt.
Theo ông Hoà, hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% số xã, phường. Hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay đầy đủ và kịp thời. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk giúp hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững...
“Để làm được điều đó, chính nhờ vào năng lực và nhiệt huyết của đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách xã hội và sự phối hợp chặc chẽ giữa ngân hàng với các tổ chức chính trị xã hội. Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương cũng là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Nhất là khi NHCSXH thực hiện ủy thác cho các hội, đoàn thể và có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt” ông Hoà chia sẻ.