Kiểm soát, kiểm toán nội bộ vẫn còn khó khăn
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Hoàn thiện khung pháp lý, kiểm soát và kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo an toàn tại các quỹ tín dụng nhân dân”, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, tính đến tháng 30/9/2022, trên cả nước có 1.179 QTDND, với quy mô tổng tài sản hơn 166,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng tài sản hệ thống TCTD. Hoạt động của QTDND đã góp phần nâng cao đời sống của thành viên và đặc biệt là đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn xuất hiện tình trạng một số QTDND hoạt động không đúng tôn chỉ, tiềm ẩn rủi ro... Để nâng cao chất lượng, an toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các QTDND, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát và kiểm toán nội bộ.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Với vai trò cầu nối giữa các QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã, Chủ tịch Hiệp hội QTDND chia sẻ thêm, trong thời gian qua, các quy trình nghiệp vụ của QTDND được xây dựng ngày càng hoàn thiện, trong đó quy trình về kiểm soát, kiểm toán nội bộ đã được các QTDND xây dựng và thực hiện theo đúng hướng dẫn của NHNN trên cơ sở Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các QTDND đã chú trọng đến việc bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Cán bộ làm công việc này đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên.
Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn một số QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động. Các quy chuẩn về kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa được coi trọng; các cán bộ làm công tác chuyên môn kiểm soát, kiểm toán nội bộ thực hiện đồng thời ở nhiều vị trí…
Thông tin thêm những khó khăn trong việc thực hiện quy định về kiểm soát và kiểm toán nội bộ đối với các QTDND trên địa bàn, ông Trịnh Công Văn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La cho biết, việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đáp ứng đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu, đặt ra đối với hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ là rất khó khăn. Do quy mô hoạt động, năng lực tài chính, nhân sự của các quỹ còn rất nhiều hạn chế so với các NHTM. Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho nhân sự làm công tác này ở các quỹ còn rất ít, phương tiện phục vụ nhân viên làm kiểm soát và kiểm toán nội bộ cũng không có nhiều. Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách, quy chế nội bộ của quỹ chưa đảm bảo đầy đủ, chưa cụ thể hóa các quy trình. Mà đây là những cơ sở để cán bộ làm kiểm soát, kiểm toán chiếu vào để đánh giá các phần nghiệp vụ, cũng như phát hiện những vi phạm, trách nhiệm, để từ đó đưa ra các kiến nghị, cảnh báo.
Trước thực tế này, ông Cường cho rằng rất cần phải thiết lập một hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả, nhằm quản lý kiểm soát về rủi ro, nâng cao giá trị đạo đức nghề nghiệp và an toàn hoạt động của QTDND. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND.
Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thời gian vừa qua, hoạt động của hệ thống QTDND vẫn còn có tồn tại, hạn chế, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên do một phần công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của hệ thống QTDND còn hạn chế. Tuy hiện nay QTDND nào cũng có bộ phận kiểm soát nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Hoặc nhiều nơi cán bộ quỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhưng năng lực còn yếu, không có nhiều cơ hội đào tạo…
“Vì vậy, ngay lúc này rất cần thiết chấn chỉnh và nâng cao vai trò công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các QTDND. Nếu làm tốt công tác này ngay từ trong nội tại của các quỹ sẽ hạn chế rủi ro, ngăn chặn được các tiêu cực, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể, theo Phó Thống đốc, để nâng cao năng lực, nâng cao vai trò của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ… thì cần xác định rằng, đối với hệ thống QTDND cần phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đây là mô hình hoạt động tốt và có vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế địa phương, chính vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần phải tiếp tục đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh của các QTDND. Khi hoạt động lành mạnh tạo động lực QTDND tiếp tục phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
“Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan ban hành chính sách phải nhận thức rõ sự cần thiết của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ, phải thiết kế lại bộ phận này để đảm bảo yêu cầu đối với từng quỹ, xác định mức quy mô của từng quỹ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế tổ chức, vận hành, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này, xác định rõ thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ cụ thể”, Phó Thống đốc lưu ý thêm và cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, qua đó nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Đồng thời, tăng cường thêm sự đánh giá hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong thời gian tới.
Ngoài ra, nâng cao hơn nữa việc sử dụng bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại chỗ, không chỉ giúp Ban lãnh đạo quỹ điều hành đúng đắn, mà thông qua đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có thêm thông tin, tăng cường điều kiện giám sát hoạt động của các quỹ tín dụng. Phó Thống đốc cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế, hệ thống bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ của hệ thống các QTDND, là một trong những công cụ để giám sát hoạt động của các quỹ ngày càng hiệu quả.
Việc quan trọng nữa cần phải làm trong thời gian tới theo Phó Thống đốc là làm sao để phát huy được vai trò của thành viên trong việc giám sát hoạt động của quỹ; phải xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của quỹ đáp ứng mô hình hiện tại. Đồng thời, củng cố từng bước để các QTDND phát triển tại chỗ trên cơ sở đảm bảo ổn định, an toàn. Mặt khác, sớm sửa đổi Thông tư 44, trường hợp cần thiết có thể xây dựng một thông tư riêng để hệ thống QTDND hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.
Quỳnh Trang
Nguồn: