Giải pháp căn cơ để hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank xoay quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank |
Ông có thể khái quát về tình hình hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND?
Hệ thống QTDND được thành lập từ năm 1993 theo Quyết định 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng hợp tác kiểu mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo quy định hiện hành, Co-opBank là ngân hàng của tất cả các QTDND, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết, bảo đảm an toàn, hỗ trợ hoạt động của các QTDND thông qua việc hỗ trợ tài chính; điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các QTDND, đảm bảo cho các QTDND hoạt động ổn định, an toàn, phát triển bền vững.
Đến nay, hệ thống TCTD là hợp tác xã gồm có Co-opBank với 32 chi nhánh và gần 1.200 QTDND, với gần 2 triệu thành viên, tổng nguồn vốn khoảng gần 200 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay khoảng trên 150 ngàn tỷ đồng, chủ yếu cho vay nông dân, nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ hộ gia đình, khách hàng ở vùng sâu, vùng xa nơi khó được tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng. Hoạt động của hệ thống QTDND và Co-opBank thời gian qua đã góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN về chính sách tam nông: đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, góp phần hỗ trợ, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Có thể nói, đạt được những kết quả nêu trên là sự nỗ lực cố gắng của hệ thống QTDND, Co-opBank, sự ủng hộ của gần 2 triệu thành viên và đặc biệt là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của Co-opBank và các QTDND.
Hiện nay, Co-opBank và các QTDND đang thực hiện cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 theo các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi Co-opBank và các QTDND phải tăng cường liên kết, nắm bắt và triển khai việc cơ cấu lại theo đúng chỉ đạo của NHNN, chuyển đổi mô hình hoạt động, đúng tôn chỉ mục đích, hướng về thành viên… Đặc biệt, Co-opBank với vai trò ngân hàng trụ cột hỗ trợ hệ thống QTDND phải tập trung xây dựng “hai ngân hàng trong một ngân hàng”. Cụ thể, ở vai trò thứ nhất, Co-opBank là “Ngân hàng chăm sóc QTDND”. Ngân hàng này cần được Chính phủ, NHNN quan tâm về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách trong mối quan hệ và liên kết, hỗ trợ các QTDND và tăng cường thêm vốn điều lệ, nguồn vốn hỗ trợ để có năng lực tài chính... Ở vai trò thứ hai là “Ngân hàng thương mại” - Co-opBank sẽ phải chủ động củng cố về chất lượng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm dịch vụ, nhân lực, quản trị điều hành kiểm soát và cần có sự hỗ trợ của NHNN để phát triển về quy mô và các lĩnh vực hoạt động hướng tới mục tiêu đủ tiềm lực làm bệ đỡ căn bản về tài chính, nhân lực, công nghệ cho hoạt động chung của Co-opBank và của hệ thống QTDND.
Với vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”, thời gian qua Co-opBank đã hỗ trợ như thế nào cho hệ thống QTDND thưa ông?
Co-opBank luôn hỗ trợ tích cực và chủ động triển khai các chức trách nhiệm vụ đối với hoạt động hệ thống QTDND, tập trung điều hòa vốn tiền gửi QTDND (đến 40.000 tỷ đồng), tiền vay hỗ trợ thanh khoản; hỗ trợ QTDND yếu kém, kiểm tra, giám sát, tham gia tái cơ cấu QTDND theo chỉ đạo của NHNN; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Chúng tôi cũng đã đầu tư, phát triển sản phẩm dịch vụ, hiện đại, nhất là các dịch vụ thanh toán. Co-opBank đã kết nối với công ty chuyển mạch Trung tâm Quốc gia Napas; các hệ thống thanh toán liên ngân hàng; Xây dựng mạng lưới thanh toán giữa Co-opBank với gần 700 QTDND… góp phần thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...
Co-opBank đã tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại hệ thống gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, chủ động nghiên cứu chiến lược phát triển, kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025; thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số của NHNN… Qua đó sẽ tập trung phát triển Co-opBank có đủ năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế, ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ. Theo ông, trong thời gian tới, Co-opBank và hệ thống QTDND cần làm gì để tối ưu hóa các cơ hội và giảm thiểu thách thức trong xu thế tất yếu này?
Chúng tôi cho rằng chuyển đổi số chính là giải pháp căn cơ nhất để hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững. Co-opBank đã xây dựng Đề án chuyển đổi số Co-opBank, trong đó bao gồm cả các nền tảng hạ tầng công nghệ, dữ liệu lớn, chữ ký số, sinh trắc học, bảo mật an toàn...
Ngay đầu năm 2022, Co-opBank đã bước đầu đưa vào vận hành khai thác ứng dụng Ngân hàng số trên điện thoại di động (Co-opBank mobile); Hệ thống thanh toán nhanh 24/7 kết nối qua cổng thanh toán quốc gia Napas và cổng thanh toán của NHNN... Năm 2022 Co-opBank cũng sẽ áp dụng các giải pháp an toàn bảo mật cao nhất và cho phép các thành viên của QTDND có thể mở tài khoản trực tuyến và triển khai nhiều dịch vụ mới như các NHTM đang tiến hành hiện nay.
Mục tiêu của Co-opBank là không chỉ trở thành Ngân hàng đầu mối hỗ trợ, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cho hệ thống QTDND mà còn phục vụ khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và các loại hình hợp tác xã khác. Tuy nhiên để đẩy mạnh chuyển đổi số, Co-opBank phải có nguồn lực về tài chính để đầu tư.
Vậy ông có kiến nghị gì để phát huy vai trò của Co-opBank đối với hệ thống QTDND nói riêng và trong hệ thống TCTD nói chung?
Hiện nay, tiềm lực tài chính, nhân lực, quy mô của Co-opBank vẫn còn nhiều hạn chế. Để có thể phát triển Co-opBank đủ mạnh nhằm hỗ trợ tốt cho hệ thống QTDND và qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông nghiệp nông thôn, khu vực hợp tác xã… Co-opBank và hệ thống QTDND rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt. Chúng tôi xin nêu ra ba nhóm giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động Co-opBank và hệ thống QTDND nhằm củng cố tính liên kết hệ thống, điều chỉnh căn bản hoạt động của hệ thống QTDND theo đúng tôn chỉ, mục đích và bản chất tự chủ tự chịu trách nhiệm; quy định rõ vai trò trách nhiệm thành viên, quy mô hoạt động của QTDND; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát QTDND, cho vay điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản, xử lý QTDND yếu kém...
Hai là, trong hoạt động của QTDND cần có sự vào cuộc, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Để điều chỉnh căn bản mô hình, hoạt động, xử lý các vấn đề tồn tại của hệ thống QTDND, đề nghị NHNN xem xét, báo cáo Chính phủ nghiên cứu trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện, phát triển hệ thống QTDND để làm cơ sở giải quyết các vấn đề căn bản về mô hình, tổ chức hoạt động hệ thống QTDND, Co-opBank trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.
Ba là, tăng cường năng lực tài chính cho Co-opBank thông qua việc sớm chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho Co-opBank thêm 2.000 đến 5.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 5.000 - 8.000 tỷ đồng. Vì hiện nay, tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank hơn 50.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 tổng nguồn vốn của các QTDND, trong đó vốn điều lệ là 3.029 tỷ đồng. Với quy mô hoạt động, nhu cầu phát triển và mức vốn điều lệ như hiện nay, các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của Co-opBank tiến tới giới hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hệ thống QTDND hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống QTDND cũng đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Chúng tôi cũng mong muốn phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong hỗ trợ hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay thanh khoản khi các QTDND gặp khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!