Đằng sau câu chuyện “Phở Thìn”
Không phải hiếm gặp
Những ngày qua, mạng xã hội “dậy sóng” với vụ lùm xum quanh cái tên “Phở Thìn”. Mới đây, trong khi ông Nguyễn Trọng Thìn - người sáng lập thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào thì ông Đoàn Hải Trung, Giám đốc Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội đã tiến hành thay đổi tên thương hiệu từ “Phở Thìn 13 Lò Đúc” thành “Phở VieThin - Thương hiệu Phở Thìn 1979 13 Lò Đúc” và bán sang Australia. “Chúng tôi từ trước giờ chưa nhận nhượng quyền thương mại, vì đây là nghề gia truyền”, ông Thìn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tính đến ngày 2/3/2023, theo công bố chính thức trên website của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung đều không phải là chủ sở hữu của thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”. Hồ sơ công nhận bảo hộ thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” vẫn đang trong trạng thái chờ. Ngoài ra, theo rà soát, có một thương hiệu khác mang tên “Phở Thìn” đã được bảo hộ từ năm 2005 do ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn là đồng chủ sở hữu.
Phở Thìn 13 Lò Đúc (Hà Nội) đã là một cái tên quen thuộc trong ẩm thực Thủ đô. |
Thực tế, việc tranh chấp quyền bảo hộ thương hiệu đã xảy ra không ít tại Việt Nam. Năm 2000, Công ty Trung Nguyên và Công ty Rice Field cũng xảy ra tranh chấp quyền bảo hộ thương hiệu “Cafe Trung Nguyên” tại Mỹ. Năm 2015, Acecook và Asia Foods cũng xảy ra tranh chấp khi sản phẩm mì Hảo Hạng có kiểu chữ, hình tô mì, sợi mì tôm, màu sắc chủ đạo gần giống gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo…
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, theo các chuyên gia, đến từ nhiều lý do. Theo đó, nguyên nhân có thể đến từ phía doanh nghiệp khi đưa sản phẩm/dịch vụ của mình ra thị trường mà không thực hiện việc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu (nhãn hiệu) của mình; khi đưa sản phẩm/ dịch vụ của mình ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia mà mình tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một nguyên nhân khác dễ thấy là việc một số tổ chức/cá nhân lợi dụng việc người sáng lập thương hiệu không đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu nên đã “nhanh chân” tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng dưới tên của mình.
Cần thẩm định kỹ trước khi đầu tư
Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu thường rất phức tạp và dựa trên nhiều yếu tố. Lấy ví dụ từ thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, TS. Nguyễn Văn Viễn, Ủy viên Thường vụ Hội Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Sở hữu trí tuệ và Đầu tư cho biết, nếu thương hiệu “Phở Thìn” đã được cấp cho cá nhân/hộ kinh doanh thì những người nộp đơn sau như “Phở Thìn 13 Lò Đúc” sẽ khó được chấp nhận đăng ký bảo hộ. Mỗi nhãn hiệu chỉ được bảo hộ cho một cơ sở kinh doanh, hoặc có thể chấp nhận cho 2-3 cơ sở nhưng trong trường hợp phải cùng nhau nộp đơn, cùng nhau tuyên bố sở hữu nhãn hiệu đó.
Điều đáng lo là, khi xảy ra các tranh chấp về thương hiệu, thì người sáng lập thương hiệu thiệt hại là thấy rõ, nhưng người nhận nhượng quyền cũng không tránh khỏi “tai bay vạ gió” vì sẽ nảy sinh nhiều rủi ro pháp lý và tài chính.
Do đó, theo các chuyên gia, những nhà đầu tư nên tránh việc đầu tư kinh doanh đối với các thương hiệu đang xảy ra tranh chấp về quyền bảo hộ thương hiệu để dẫn đến hậu quả pháp lý khi tranh chấp hoặc bị xử lý xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, người nhận nhượng quyền thương hiệu cần kiểm tra các tài liệu như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thông báo chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến dịch vụ và ăn uống cần Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời phải thẩm định mô hình kinh doanh cũng như khả năng đem lại lợi nhuận để đưa ra mức định giá phù hợp.