Dấu chân Người còn lưu luyến bến sông
Chúng tôi bồi hồi bước vào ngôi nhà lợp lá đơn sơ phong dấu thời gian thuở những năm 1898. Ngày đó cậu bé Nguyễn Sinh Cung được cha dạy học tại ngôi nhà này. Con sông Phổ Lợi (con sông đào phụ lưu sông Hương) chạy qua làng Dương Nỗ cách nơi cậu Nguyễn Sinh Cung ở chừng 10 mét. Ngày ngày cậu cắp sách cùng bạn học chơi ở bến sông và lắng nghe những điệu hò sông Hương vọng về. Những ký ức tuổi thơ của Bác tại Huế bỗng tràn về với bao niềm thương nhớ. Câu chuyện một thuở với biết bao sóng gió cam go đã xảy ra tại gia đình ông cử nhân Nguyễn Sinh Sắc từ Nam Đàn về đây. Thực ra, đây là ngôi nhà thứ hai ở Huế cậu Nguyễn Sinh Cung được cha đưa về ở. Nhưng ngôi nhà này lại là nơi cậu được học những con chữ đầu tiên. Đó là những bài học rèn đức, rèn chí. Chữ Nhân, chữ Nghĩa luôn làm rung động trái tim cậu bé Cung. Cô hướng dẫn viên kể, ngày đó ông Nguyễn Sinh Sắc phải về đây dạy học để mưu sinh và nuôi dạy hai con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Đó là lần thứ hai ông Nguyễn Sinh Sắc bị trượt trường thi Hội ở Huế.
…Nhớ lại buổi ban đầu đến với Huế, khi đó bà Hoàng Thị Loan đã cùng hai con trai đi bộ cả tháng trời mới gặp được chồng. Nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc không đỗ trong kỳ thi Hội năm đó, bà Loan đã gửi con gái lớn cho cha mẹ rồi cùng hai con trai vào Huế phụ giúp chồng chờ thi lần thứ hai. Một cuộc hành hương chất chồng bao cực nhọc, bà vừa gồng gánh đồ dùng và gánh con vượt đèo. Khi đó cậu Nguyễn Sinh Cung mới 5 tuổi. Hai anh em ngày đêm đi theo mẹ qua bao dốc núi và bến sông mới vào được tới Huế (năm 1895). Ngôi nhà đầu tiên gia đình cậu Nguyễn Sinh Cung thuê ở tại số 112 đường Mai Thúc Loan. Khi đó bà Hoàng Thị Loan dệt vải mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi chồng con. Ông Nguyễn Sinh Sắc đôi lúc bắt mạch bốc thuốc phụ thêm chi phí cho vợ. Ông chăm nom hai con nhỏ và ngày đêm tập trung luyện thi. Ngôi nhà thuê ở trong nội thành Huế gần với sông Hương và phụ lưu Đông Ba chảy qua. Tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung gắn bó với sông Hương, núi Ngự từ đó. Hàng ngày hai anh em phụ giúp mẹ quay sa cuộn chỉ trong niềm vui mong cha thành đạt trong kỳ thi Hội lần hai. Nhưng trớ trêu thay, ông trời lại phụ lòng người, năm sau ông Nguyễn Sinh Sắc lại bị trượt trong kỳ thi này. Ngỡ đâu mọi hy vọng đã bị dập tắt đối với ông cử nhân thành Vinh. Nhưng bà Hoàng Thị Loan vững tin ở chồng nên đã khuyên ông Nguyễn Sinh Sắc kiên trì theo đuổi kỳ thi lần thứ ba. Bà hứa sẽ cố gắng kiếm tiền nuôi chồng ăn học cho tới khi công thành danh toại. Lúc này ông Nguyễn Sinh Sắc càng quyết tâm thử vận mệnh lần cuối cùng.
Ngôi nhà ở Dương Nỗ ghi dấu tuổi thơ của Bác từ 1898-1900 |
Tuy nhiên, vì sức khỏe suy giảm nên việc dệt vải kiếm tiền của bà Hoàng Thị Loan không được như trước. May sao lúc đó ông Nguyễn Sĩ Độ, một chức sắc ở làng Dương Nỗ biết tới, đã mời ông Nguyễn Sinh Sắc về nhà dạy học cho các con mình (1898). Vậy là cậu Nguyễn Sinh Cung cùng anh trai theo cha về sinh sống và học tập ở làng Dương Nỗ này (cách kinh thành Huế chừng 7 cây số). Khi đó cậu Nguyễn Sinh Cung vừa tròn 8 tuổi. Còn bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại số nhà 112 Mai Thúc Loan dệt vải và chạy chợ kiếm thêm tiền, gửi về cho chồng ở Dương Nỗ. Tuy gánh nặng gia đình đã đỡ được phần nào, nhưng lúc này bà Loan mang bầu lần thứ tư. Vậy là khó khăn chồng chất khó khăn.
Giọng cô hướng dẫn viên bỗng nghẹn ngào khi kể tiếp câu chuyện không hay đã xảy ra với bà Hoàng Thị Loan sau khi sinh nở lần thứ tư (1900). Đó là con trai thứ ba tên là Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi Nguyễn Sinh Xin) chào đời. Nhưng vì mẹ kiệt sức sinh ốm đau nên con trai cũng gầy yếu vì thiếu sữa mẹ. Hoàn cảnh thật cam go mà kỳ thi Hội lần thứ ba sắp tới làm ông Nguyễn Sinh Sắc vạn phần bối rối. Thời gian này, cậu học trò Nguyễn Sinh Cung phải về Mai Thúc Loan trông em giúp mẹ. Phần vì đói kém và lại bệnh tật, chỉ năm sau bà Hoàng Thị Loan qua đời để lại con thơ. Nhưng rồi tai họa liên tục ập tới khi cậu bé Nguyễn Sinh Nhuận cũng còm cõi theo mẹ ra đi. Không còn cách nào khác, ông Nguyễn Sinh Sắc đành đưa hai con trai về quê gửi ông bà ngoại rồi vội vã trở lại Huế để vào kịp trường thi. Lần đó ông đã đỗ Phó bảng vinh quy bái tổ về làng. Vậy là sáu năm tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung được neo giữ tại sông Hương, núi Ngự biết bao yêu thương và đầy sóng gió.
Và như một lời hẹn của Huế thương, năm 1906, chàng trai Nguyễn Sinh Cung (16 tuổi) lại cùng anh theo cha về Huế nhậm chức. Trở lại Huế lần này, cả ba cha con ông Phó bảng đều đổi tên. Cha là Nguyễn Sinh Huy, hai con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành. Ông muốn hai con đều thành đạt trên mảnh đất kinh đô Huế. Lần này, ba cha con ông Thừa biện bộ Lễ được phân nhà ở khu quan viên trong nội thành. Chàng trai Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) được cha cho thi vào trường Pháp-Việt Đông Ba (1906-1908). Sau đó anh được đặc cách học trường Quốc học Huế (1908-1909) vì thành tích vượt trội trong học tập. Bắt đầu từ đây, ý thức dân tộc của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu trở nên rất mạnh mẽ.
Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ |
Vào thời gian này, thực dân Pháp càng lúc càng áp chế vương triều nhà Nguyễn và ra sức đàn áp bóc lột người dân cần lao. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã tham gia biểu tình chống thuế của chính quyền thực dân. Anh góp phần gây dựng phong trào hoạt động trong trường Quốc học Huế rất sôi nổi. Ý chí và sự khát khao tìm tới con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành càng trở nên sâu sắc và kiên định. Nhưng rồi bất ngờ, ông Nguyễn Sinh Huy được thăng chức làm tri huyện ở Bình Khê (Bình Định). Năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định tiếp tục học tại trường Pháp-Việt (Quy Nhơn). Sau đó tới năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết rồi tiếp tục sự nghiệp cách mạng từ đó.
Có thể coi gần trọn mười năm sống ở Huế đã góp phần hình thành nhân cách lớn, khao khát tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Những ngôi nhà bên sông Hương (112 Mai Thúc Loan) và ở Dương Nỗ vẫn còn đó với bao kỷ niệm thân thương hiện ra trước mặt. Chúng tôi bâng khuâng trở lại ngôi nhà ở Mai Thúc Loan gắn bó với tuổi thơ của Người cùng với khung dệt vải của bà Loan năm xưa. Những di sản còn lại luôn ấm áp hơi Người. Đôi mắt Người luôn dõi bóng sông Hương như ngày nào. Phía xa núi Ngự Bình cũng ngóng về và che chắn cho ngôi nhà cổ không bị bão táp mưa sa. Câu hò bên sông Hương vẫn luôn vọng về bến Đông Ba cùng với lễ hội hoa đăng tưởng vọng Người trở lại soi bóng bên sông. Những vần thơ Người viết tặng 11 chiến sĩ gái Huế anh hùng trong cuộc tổng tiến công nổi dậy (1968) như một sự trở về của Người ngày đó.
Thuyền chúng tôi rời ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ, quay về sông Hương với bao niềm xao xuyến. Giọng hò thao thức từ thôn Vỹ Dạ vọng lên trong tiếng chuông chùa ngân nga: “Sông Hương còn đó Núi Ngự còn đây/ Nhớ mái nhà xưa ký ức tràn đầy/ Xuân về sắc tím tràn ngập phố/ Hồn Người ấm áp cuối chân mây”.