Đầu tư cho kinh tế biển
Điểm sáng Đà Nẵng | |
Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp bán lẻ | |
Đà Nẵng nỗ lực quảng bá, thu hút đầu tư |
UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu của đề án đặt ra là, tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2016 - 2025 đạt 13 - 14%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 13%; khối lượng hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt 12 - 13 triệu tấn/năm và tốc độ tăng trưởng hàng container giai đoạn 2020 - 2025 đạt 10 - 15%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đến năm 2025 đạt 12 - 13%/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 hơn 19 nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025 là 13 nghìn tỷ đồng, và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 17 nghìn tỷ đồng.
Đà Nẵng sẽ nâng cấp cảng cá tại Âu thuyền Thọ Quang |
Theo đề án, bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới như, thể thao biển, công nghiệp du thuyền… TP. Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch ven biển, tăng cường năng lực cho hướng dẫn viên du lịch về chủ quyền biển đảo.
Địa phương cũng sẽ tập trung phát triển kinh tế hàng hải, phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế theo 2 khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu. Cụ thể, khu cảng Tiên Sa phục vụ hành khách, đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch. Trong khi đó, khu cảng Liên Chiểu sẽ phục vụ hàng container, hàng tổng hợp... Đồng thời, xúc tiến đầu tư xây dựng các cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt hàng hóa được vận chuyển bằng container.
Hiện, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, tàu cá có công suất dưới 90cv 394 chiếc, tàu công suất từ 90cv trở lên 502 chiếc, trong 502 chiếc từ 90cv trở lên có 389 chiếc tàu có công suất từ 400cv trở lên; Công suất bình quân khoảng 300cv/tàu; cơ cấu tàu thuyền tương đối hợp lý, với ngư trường khai thác chủ yếu là Hoàng Sa và Vịnh Bắc bộ.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, song song với các chính sách của Trung ương, địa phương cũng đã ban hành các chính sách để hỗ trợ ngư dân bám biển như, đóng mới tàu cá theo Quyết định số 47 (từ năm 2012 đến nay đã đóng mới được 73 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 38 tỷ đồng). Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, địa lý, cơ sở hậu cần nghề cá tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân trên địa bàn cũng như địa phương lân cận.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số khó khăn cần được bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó, theo thiết kế thì Âu thuyền Thọ Quang neo đậu được khoảng 600 tàu trong điều kiện thời tiết bình thường và 490 tàu khi có bão. Nhưng, hiện số lượng tàu cá về neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang quá nhiều so với thiết kế.
Trong điều kiện thời tiết bình thường có từ 500 đến 600 chiếc neo đậu, khi có bão hoặc biển động thì số tàu cá vào neo đậu ở Âu thuyền từ 800 đến 1200 chiếc, gấp 2,5 lần số lượng tàu đậu theo thiết kế, gây quá tải nên không đảm bảo an toàn cho tàu cá, dễ xảy ra tình trạng nguy hiểm như đứt phao bù, đứt neo, các tàu va đập, mắc cạn, chìm, cháy nổ…
Để giảm tải neo đậu tàu cá tại Âu thuyền Thọ Quang, giảm ô nhiễm môi trường, TP. Đà Nẵng cũng đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm khu neo đậu ổn định lâu dài cho tàu cá kết hợp phòng chống bão tại khu vực Âu nước cồn Mân Quang.
Cũng nhằm giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang, đề án “Phát triển ngành kinh tế biển TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định sẽ nâng cấp Cảng cá Thọ Quang thành cảng loại 1, khu trú bão và neo đậu tàu thuyền theo hướng trở thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước.
Đồng thời, từng bước phát triển đội tàu vỏ thép, tàu composite, gỗ bọc composite công suất lớn; hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ khai thác gắn với chú trọng công tác khuyến ngư, nâng cao năng lực khai thác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân...
UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, tổng hợp cho UBND thành phố về tổ chức triển khai thực hiện đề án theo từng năm; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện đề án trên địa bàn, phối hợp với Sở Tài chính cân đối tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch của thành phố cho các chương trình trong đề án “Phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.