Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp bán lẻ
Doanh nghiệp bán lẻ điện máy sống khỏe | |
Doanh nghiệp bán lẻ: Đối mặt với thách thức trên sân nhà | |
Doanh nghiệp bán lẻ… online |
Thị trường bán lẻ Đà Nẵng được đánh giá là có sự phát triển ấn tượng nhờ hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của địa phương tăng qua các năm. Các chuyên gia cho rằng, chính điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Hiện hầu hết những nhà bán lẻ tên tuổi đều có mặt tại đây như hệ thống siêu thị Big C, hệ thống Thế giới di động, Điện máy xanh, Vinmart, Co.opmart…
Hầu hết những nhà bán lẻ tên tuổi đều có mặt tại Đà Nẵng |
Theo UBND TP. Đà Nẵng, năm 2016, thành phố có tổng mức bán lẻ khoảng 76.050 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2005 và gấp 11,9 lần so với năm 1997 khi mới chia tách tỉnh. Trong giai đoạn 1997-2005, lĩnh vực này tăng trưởng bình quân 11,4%/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng 7,5%/năm và giai đoạn 2011-2016 tăng 17%/năm. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ những tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng ước đạt 52.415 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và đa dạng về loại hình với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 12,75%/năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung đối với lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng có cách làm riêng, tự hoàn thiện hạ tầng cơ sở trước, thu hút đầu tư sau. Nhất là để phát triển trở thành trung tâm thương mại (TTTM) lớn của cả nước, chính quyền Đà Nẵng đã và đang có những bước quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng hiện đại với nhiều TTTM, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn. Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 72 TTTM, siêu thị và 69 chợ các loại, trong đó có 8 chợ loại 1.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Co.opmart Đà Nẵng, khi tiếp cận thị trường Đà Nẵng, Co.opmart xác định đây là thị trường tiềm năng, bởi chính quyền Đà Nẵng chọn du lịch, dịch vụ, thương mại là những lĩnh vực chính trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố, do đó sẽ cần nhiều đầu tư và có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này.
Bà Hiền cũng cho rằng, với xu hướng hiện đại, người tiêu dùng sẽ thay đổi tư duy trong cách tiếp cận các sản phẩm hàng hóa. Trước đây, thường người ta chỉ tập trung mua bán ở chợ truyền thống, hiện nay, mọi người đến siêu thị nhiều hơn, không chỉ mua sắm hàng hóa mà còn tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
Báo cáo nghiên cứu thị trường mới đây của Savills Việt Nam nhận định, tổng nguồn cung bán lẻ của Đà Nẵng tăng 17,3% theo năm do trung tâm mua sắm F.Home gia nhập thị trường trong quý III/2016, và siêu thị Nguyễn Kim tái hoạt động trong quý IV/2016. Quận Hải Châu tiếp tục có nguồn cung lớn nhất với thị phần 35%, theo sau đó quận Thanh Khê với 30%. Thị trường dự kiến không đón nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2017. Ba dự án với 22.000m2 được lên kế hoạch cho năm 2018, và nguồn cung tương lai chủ yếu sẽ tập trung ở quận Hải Châu.
Song theo Sở Công Thương Đà Nẵng, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại Đà Nẵng hiện còn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển. Đà Nẵng chưa huy động được nhiều nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại theo phương thức xã hội hóa. Do đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng xây dựng lại các chợ theo quy hoạch để thực hiện tốt chủ trương xóa bỏ các chợ tự phát, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại.
Cùng với đầu tư xây dựng chợ, nâng cấp chỉnh trang lại các chợ truyền thống, việc phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, hình thành các TTTM lớn, các khu phố chuyên doanh, phát triển thêm các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, tự chọn hoặc các siêu thị nhỏ tại các khu vực đông dân cư, là định hướng mà Đà Nẵng đang chỉ đạo triển khai trong thời gian gần đây.
Định hướng phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình DN, phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử. Đối với loại hình bán buôn, Đà Nẵng đầu tư TTTM bán buôn chợ Cồn; TTTM bán buôn Hòa Minh; chợ gia súc, gia cầm; chợ vật liệu xây dựng; mở rộng chợ đầu mối nông sản. Quy hoạch đầu tư một tổng kho hàng với diện tích 30-50ha. Đối với loại hình bán lẻ, đầu tư phát triển mới 21 TTTM, bách hóa tổng hợp, siêu thị có quy mô lớn ở các quận, huyện. Chú trọng và khuyến khích phát triển khoảng 20 cửa hàng tiện lợi phục vụ kéo dài về đêm…