Đầu tư công: Để đạt mục tiêu, cần sớm hóa giải vướng mắc
Để đầu tư công là “trụ cột” trong phát triển Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm |
Tín hiệu tích cực song vướng mắc còn nhiều
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 từ đầu năm đến ngày 29/2 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu này cho thấy giải ngân đã cao hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Số liệu cho thấy, có 4 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên mức trung bình của cả nước như: Đài Truyền hình Việt Nam (34,92%); Bộ Xây dựng (32%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (27,83%); tỉnh Hậu Giang (30,15%); Tiền Giang (27,62%); Vĩnh Phúc (21,49%); Tuyên Quang (21,26%)… Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ trọng vốn lớn đã có giá trị giải ngân tuyệt đối tích cực như: Bộ Giao thông vận tải (5.825,184 tỷ đồng), TP. Hà Nội (4.802,209 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (2.188,795 tỷ đồng)... Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% năm nay có thể hoàn thành.
Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đang được triển khai |
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức. Điển hình như còn tới 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, trong đó, đặc biệt có nhiều bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ giải ngân là 0%). Bên cạnh đó, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm cũng còn nhiều khó khăn. Tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,63% kế hoạch năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng)…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch.Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh lại mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm phần vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. |
Đáng chú đến hết tháng 2, vẫn còn 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn được giao. Theo đó, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.291,1 tỷ đồng, chiếm 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.751,7 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 14.539,4 tỷ đồng. Dù con số 3,85% chưa phân bổ này không phải quá lớn, nhưng rõ ràng để hoàn thành được mục tiêu giải ngân thì trước hết khâu phân bổ vốn phải quyết liệt hoàn thành, tạo tiền đề cho công tác giải ngân vốn.
Về nguyên nhân, vốn trong nước chưa phân bổ chi tiết chủ yếu là của các dự án khởi công mới, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hàng năm; tháng 2 vừa qua trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán... Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: các dự án chuyển tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định; vốn giao cho các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; vốn giao cho các dự án đang được tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các dự án đang rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không còn nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm 2024 do đã được bố trí vốn từ nguồn kế hoạch năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội...
Nhanh chóng hoàn tất khâu phân bổ vốn
Để giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 thuận lợi, đạt tỷ lệ tối thiểu 95% đặt ra, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với các vướng mắc liên quan. Đối với số vốn 14.539,4 tỷ đồng nguồn cân đối ngân sách địa phương chưa phân bổ của một số địa phương nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo cấp thẩm quyền các nguyên nhân, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề phân bổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ đạo với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thành phân bổ chi tiết cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhập trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định. Bên cạnh đó, xem xét, thông qua nguyên tắc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2024.
Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, hai vấn đề khó khăn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng tiến độ tại một số dự án chậm hơn so với yêu cầu) và vật liệu xây dựng phục vụ cho thi công. Để giải quyết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (tổ chức ngày 16/2/2024). Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu. Đồng thời, khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép để đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục chuyển nguồn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024, làm căn cứ tiếp tục giải ngân…