Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 25/3 |
Báo cáo của KTNN cho thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
KTNN đã thực hiện các kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 353.700 tỉ đồng. Các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện được gần 237.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, KTNN đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền…
Trình bày Báo cáo thẩm tra về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của KTNN. Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của KTNN.
Trong đó về thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, KTNN đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán, các văn bản do KTNN ban hành hoặc tham mưu xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ bản có nội dung phù hợp, đồng bộ, bắt nhịp với định hướng đổi mới của hoạt động kiểm toán và yêu cầu thực tiễn.
Đáng chú ý về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, việc xây dựng, quyết định kế hoạch kiểm toán có nhiều tiến bộ, ngày càng công khai, minh bạch, khoa học và bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH; Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán có nhiều đổi mới, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị KTNN cần lưu ý một số vấn đề như: Chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương, và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật NSNN; Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện; Việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; Công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động KTNN cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Cần tăng cường các giải pháp để xử lý triệt để chồng chéo giữa KTNN và thanh tra chuyên ngành, thanh tra các địa phương…
Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2016, Ủy ban cơ bản nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ mà báo cáo của KTNN đưa ra, đồng thời đề nghị tập trung thực hiện một số nội dung chính như: Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030 có hiệu quả; Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN…