Để cây sắn phát triển bền vững
Thiệt hại nặng
Trong vụ sản xuất năm 2021, trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, bệnh khảm lá vi rút trên cây sắn bùng phát trên diện rộng, khiến hàng trăm hecta sắn tại 2 địa phương này bị mất trắng, gây thiệt hại lớn đối người nông dân.
Riêng tại tỉnh Gia Lai, năm 2021 có hơn 81.660ha trồng sắn, là một trong những địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất cả nước. Cây sắn được xác định là cây xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đối với người nông dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, trở thành nguồn thu nhập chính của hàng vạn gia đình. Chính vì thế, khi bệnh khảm lá sắn bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân, cũng như đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cần những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi bệnh khảm lá trên cây sắn |
Thực tế cho thấy, bệnh khảm lá vi rút nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM 419; nhiễm trung bình trên giống KM 98-5, KM 140 và nhiễm nhẹ ở giống KM 94. Nguyên nhân chính của bệnh khảm lá vi rút hại sắn bùng phát triển diện rộng là do người dân sử dụng giống cũ không đảm bảo chất lượng hoặc giống không rõ nguồn gốc. Đây là bệnh gây hại trên cây sắn chưa có thuốc đặc trị, chưa có giống sắn sạch, kháng bệnh hoàn toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, năm 2021, bệnh khảm lá hại sắn tăng đột biến lên hơn 13.000ha. Vì vậy, nếu không xử lý triệt để sẽ gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn.
Đơn cử như huyện Krông Pa có diện tích sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai, khoảng 22.000ha trồng trong 2 vụ. Riêng vụ Đông Xuân 2021-2022, huyện Krông Pa trồng hơn 1.300ha, tập trung tại các xã như Ia Hdreh, Krông Năng, Chư Ngọc, Chư Drăng, Ia Rmok… Hiện diện tích này đang thu hoạch nhưng năng suất không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do sâu bệnh hoành hành, hạn hán kéo dài. Đặc biệt, bệnh khảm lá vi rút trên cây sắn gây thiệt hại một phần diện tích sắn của bà con nông dân.
Còn các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho hay, thời gian qua, các DN đã đầu tư vốn để mua giống, vật tư nông nghiệp… cung cấp cho người dân để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm thấp nhất 1.500 đồng/kg tươi. Thế nhưng bệnh khảm lá vi rút hại cây sắn đã và đang diễn biến quá phức tạp gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho cả người nông dân và các DN…
Loại trừ giống cũ, thay giống mới
Theo các DN chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, để hạn chế thiệt hại, không còn cách nào khác là phải tập trung thay thế dần các loại giống sắn mới, kháng được bệnh. Các DN sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương, đồng hành cùng người nông dân trong vùng nguyên liệu, từ đó tìm kiếm những giống sạch bệnh cung cấp cho người dân sản xuất...
Ngành nông nghiệp Gia Lai đang chủ động tìm giống sắn sạch bệnh để cung cấp cho người nông dân trồng cho vụ mới. Địa phương sẽ hỗ trợ cho người dân các giống này như HN3 và HN5. Các giống này qua trồng thực nghiệm đã cho năng suất cao, không bị nhiễm bệnh khảm lá…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, bệnh khảm lá hại sắn đã gây ra nhiều thiệt hại đối với ngành nông nghiệp địa phương và người nông dân trong những năm gần đây. Vậy nên, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phòng trừ, kiên quyết không sử dụng những loại giống bị nhiễm bệnh nặng. Nếu địa phương nào để người dân sử dụng các loại giống bị nhiễm bệnh phải chịu trách nhiệm. Cùng đó, khuyến khích mở rộng giống sắn kháng bệnh KM94, giảm dần diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá cho đến khi có giống mới, kiểm soát chặt chẽ giống nhập vào địa bàn...
Để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng 8 mô hình trồng giống sắn sạch và có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút tương đối tốt. Trong đó, ít nhất mỗi địa phương trồng khoảng 50ha để chủ động nguồn giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, Sở đề nghị các nhà máy chế biến thu thập nguồn giống sạch bệnh, hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương mua hóa chất xử lý bọ phấn trắng...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum, hiện cây sắn vẫn là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn, với diện tích khoảng trên 38.830ha. Năm 2021, bệnh khảm lá đã phát sinh, gây hại ở hầu hết các huyện, thành phố với tổng diện tích thiệt hại gần 700ha. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu đối với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn trên địa bàn phải chủ động phòng trừ, ngăn chặn bệnh khảm lá sắn ngay từ đầu vụ. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết, cụ thể các giải pháp phòng trừ, ngăn chặn bệnh khảm lá sắn ngay từ đầu niên vụ sản xuất. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, trừ bệnh khảm lá sắn trên địa bàn các huyện, thành phố; kịp thời thông tin, khuyến cáo về thời vụ trồng theo từng vùng sản xuất; tăng cường quản lý nguồn giống, nhất là các nguồn giống từ ngoài tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có). |