Để có một thế hệ “kỳ lân” công nghệ Việt tiếp theo
Đại sứ quán Australia và doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy hợp tác, đầu tư trong tương lai Doanh nghiệp công nghệ Việt thắng lớn tại Diễn đàn VFTE 2023 |
Với khát vọng về một đất nước giàu mạnh, hùng cường, Việt Nam đang hoạch định mô hình phát triển kinh tế tiên tiến dựa trên động lực là các doanh nghiệp công nghệ số. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường trong nước rộng lớn với hơn 100 triệu dân cùng các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường… chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn tầm ra thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) với mức định giá trên 1 tỷ USD được xem là “kỳ lân” và nhóm thuộc lĩnh vực công nghệ chiếm chưa đến 0,08% trên tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghĩa là chúng thuộc hàng rất hiếm. Có thể thấy một điểm chung của các startup “kỳ lân” là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mà các doanh nghiệp này tạo ra thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh mà chúng hoạt động, cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện mới chỉ có 4 “kỳ lân” công nghệ được định giá hơn 1 tỷ USD là MoMo, Sky Mavis, VNG, VNLIFE và hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD... Mặc dù, 4 “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn so với các “kỳ lân” công nghệ lớn trên thế giới, nhưng cùng với sự xuất hiện của họ, Việt Nam hiện đang đứng thứ ba, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia, về số lượng các “kỳ lân” công nghệ trên bản đồ khu vực.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam cho thấy, thời gian tới những “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á - Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi. Đặc biệt, khi mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.
Bà Aimee Hampel-Milagrosa, chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực mới của tăng trưởng cho quốc gia. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, Chính phủ đã bắt đầu thiết lập nên yếu tố nền tảng và chủ chốt, như các ưu đãi về chính sách và tài chính để tạo ra và xây dựng thế hệ “kỳ lân” khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.
Mặc dù trở thành “kỳ lân” là một trong những ưu tiên hàng đầu của các startup, tuy nhiên theo các chuyên gia, để đạt đến ngưỡng “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế, song điều này không phải là vấn đề đơn giản. Bởi, để trở thành startup “kỳ lân” với định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự phát triển mạnh mẽ, vượt lên chính mình để đạt được những thành quả vượt trội.
Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có không ít startup kế cận “kỳ lân”, trong đó những mô hình triển vọng gồm có Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet… Nhìn chung, các startup triển vọng nhất vừa nêu đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game online… Đây là những lĩnh vực sẽ ngày càng phát triển trong 2-3 năm tới và là “cái nôi” để các startup vươn mình trở thành các “kỳ lân” tiếp theo.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trong thời gian 5 năm gần đây, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã được đẩy lên mức độ cao và có sự đóng góp của các bên trong hệ sinh thái. Nhất là sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng cho Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam lọt vào Top 50 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng mới là giai đoạn khởi đầu của hành trình phát triển. Để tạo ra các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, “kỳ lân” công nghệ, đòi hỏi cần có thêm thời gian tích lũy. Ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần có sự tham gia hỗ trợ rất mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo, vai trò của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp cần sâu sắc hơn. Kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều “kỳ lân” và hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân, góp phần đưa đất nước vươn lên, sánh vai với các cường quốc phát triển trong khu vực và thế giới.