Để doanh nghiệp tự tin phát hành trái phiếu ra công chúng
Theo nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức sơ cấp và đang trong tình trạng quá tải, do đó, cần thêm đôi cánh nữa từ thị trường thứ cấp. Chỉ như có như vậy thị trường trái phiếu của Việt Nam mới trở thành thị trường vốn trung và dài hạn triển vọng nhất trong 10 năm tới, bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng.
Theo các chuyên gia, tổ chức phát hành có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn khi phát hành trái phiếu ra công chúng |
Vì sao doanh nghiệp ngại phát hành trái phiếu ra công chúng?
Đề cập đến thị trường trái phiếu Việt Nam với sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, gần như tất cả công ty phát triển rất tốt ở Việt Nam đều không phát hành trái phiếu ra công chúng, mà lại chọn phát hành riêng lẻ. Theo ông Nghĩa, thực trạng này không phải lỗi của doanh nghiệp mà có lẽ là lỗi từ thị trường.
Ông Nghĩa mong muốn, khu vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển sang khu vực phát hành công chúng. Bởi vì đó là khu vực mà doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn. Đó cũng là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực.
Theo ông Nghĩa, chỉ khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì nó không phải là công cụ vốn dài hạn tốt.
Đồng tình với ý kiến của ông Nghĩa, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp thời gian qua phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng bản thân họ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để phát hành ra công chúng.
Tuy nhiên thời gian qua, thị trường gặp phải vướng mắc khi nộp hồ sơ lên UBCKNN có thời gian xử lý lâu, dẫn đến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành trái phiếu. Từ đó doanh nghiệp không kịp huy động đủ nguồn vốn kinh doanh.
Trong khi đó, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có thể chủ động triển khai hầu hết khâu, không phải xin ý kiến, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả phát hành.
Trước thực trạng có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành ra công chúng nhưng họ vẫn chọn phát hành riêng lẻ, ông Quỳnh cho biết điều này dẫn đến việc phát hành riêng lẻ tăng vọt trong khi phát hành ra công chúng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chẳng hạn như năm 2021, tỷ lệ này chỉ chiếm có 5% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường. Trong 95% còn lại phát hành riêng lẻ có rất nhiều doanh nghiệp rất lớn, uy tín, chất lượng.
Ông Quỳnh nhận định, về mặt nguyên tắc, phát hành ra công chúng có nhiều lợi thế hơn phát hành riêng lẻ bởi doanh nghiệp không phải lo lắng về thanh khoản, do trái phiếu có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có thể bán cho mọi đối tượng nhà đầu tư, huy động vốn dễ và rẻ hơn.
Hiện nay các ngân hàng phát hành trái phiếu ra công chúng và giao dịch trên thị trường, lãi suất thấp bằng 1/2 , thậm chí bằng 1/3 lãi suất phát hành của các doanh nghiệp. Bởi tính minh bạch, hạ tầng giao dịch thuận lợi, thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều nên chi phí huy động vốn của các ngân hàng này giảm xuống, bên cạnh đó, tăng thương hiệu và uy tín của ngân hàng hơn.
“Vậy nên không doanh nghiệp nào không chọn phát hành ra công chúng nếu họ thuận lợi. Đây cũng là điểm chúng ta cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nền tảng pháp lý để chúng ta giúp các doanh nghiệp đạt chuẩn có thể sử dụng’ – ông Quỳnh cho hay.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính đánh giá, Nghị định 65 không áp đặt thêm những điều kiện mới, dù mang tính thắt chặt nhưng chủ yếu là tăng cường các quy định về công bố thông tin và làm cho thị trường minh bạch hơn.
Nhưng về phía doanh nghiệp, muốn đạt được các điều kiện đó thì họ cần làm thêm một số công việc khác, thêm chi phí phát hành nhưng đây là điều phải chấp nhận để có thị trường minh bạch hơn trong tương lai. Những doanh nghiệp đã công bố thông tin minh bạch và công khai thông tin ở mức độ cao rồi thì có thể tiếp tục phát hành để huy động vốn, nhất là những doanh nghiệp có dự án tốt, có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
“Tuy nhiên, không thể xem kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Thay vào đó, đây là lúc để doanh nghiệp phải mở rộng, tính toán các kênh huy động hiệu quả khác”- ông Dương nói.
Cần xử lý kịp thời các thủ tục phát hành
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc ra đời Nghị định 65/2022/NĐ-CP mà không xử lý thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng thì không chỉ tạo ra ách tắc của bộ phận trong thị trường này mà còn ách tắc thị trường kia.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn thu hẹp khu vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và chuyển hẳn sang khu vực phát hành sang công chúng, bởi đây là khu vực mà tổ chức phát hành có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn.
Liên quan tới thủ tục duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Quỳnh cho rằng nên đi theo những tiêu chuẩn mang tính các tiêu chí, chất lượng hoạt động doanh nghiệp, tổng thể các chỉ số tài chính hay chỉ số quản trị hơn là đi vào chi tiết mục đích sử dụng vốn.
Ông cho rằng, thị trường vốn nói chung cần thiết kế nhiều kênh để doanh nghiệp huy động vốn, không chỉ mỗi kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Để giải quyết vấn đề ách tắc trong phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings, khuyến nghị Việt Nam học hỏi một số mô hình trong khu vực.
Ví dụ ở Malaysia, nếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA thì được phát hành ra công chúng và duyệt hồ sơ sau.
"Đương nhiên, trách nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Chúng tôi cũng phải nhận trách nhiệm. AAA tức là hồ sơ phải chuẩn chỉnh, doanh nghiệp ngon, rủi ro thấp, lúc đó nhà phát hành có thể được miễn nhiều thủ tục trong hoàn thiện hồ sơ, rà soát hồ sơ. Đương nhiên cơ quan nhà nước vẫn hậu kiểm", ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Liên quan đến sự e ngại trách nhiệm trong việc thẩm định phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Hoàng Dương đánh giá, hiện nay sự quan ngại về trách nhiệm của cơ quan thẩm định đang rất lớn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm soát, sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo đó, luật mới sẽ quy định rõ trách nhiệm thẩm định của cơ quan Nhà nước đến đâu, để sau này cơ quan thẩm định chỉ chịu trách nhiệm theo như luật đã ban hành, nhờ đó họ sẽ bớt quan ngại về rủi ro kiểm định.
Ông Dương cho biết, sắp tới phía cơ quan quản lý sẽ bổ sung các quy định về minh bạch hóa thông tin từ các nhà phát hành trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, ví dụ như các thông tin về tình hình tài chính, vi phạm về thanh toán chậm trả gốc và lãi,… sẽ được phản ánh trên chuyên trang này. Nhờ đó, thị trường có thể đánh giá những vi phạm và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.