Để PPP là lối thoát cho nợ công
Quyết tâm gặp rào cản
Những ngày cuối năm 2014 có lẽ là thời gian hy vọng, nhưng cũng liền lúc đi kèm thất vọng của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Giải pháp giảm sức ép lên nợ công được tính toán để “chuyển vai” sang đầu tư ngoài Nhà nước thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) đã chưa thể luật hóa.
Bộ trưởng Bộ này, ông Bùi Quang Vinh, từng nói trong một cuộc tọa đàm với đối tác phát triển của Việt Nam rằng: Bộ KH&ĐT không nợ bất cứ luật nào… “Nghị định PPP thì Chính phủ đã lấy ý kiến, tin rằng sẽ ban hành trong tháng này”, ông Vinh nói khi năm 2014 chỉ còn ít ngày sẽ kết thúc và cuộc họp Ban chỉ đạo về PPP đang được lên kế hoạch tổ chức, nơi sẽ đem vấn đề ra bàn thảo một lần nữa.
Tuy nhiên, với văn bản số 465/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP về phiên họp của Ban này hồi cuối năm ngoái, Nghị định về PPP chưa thể ban hành mà Bộ này vẫn phải tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ trước khi hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai nghị định nói trên.
Với ý nghĩa để tạo hành lang pháp lý thu hút vốn đầu tư ngoài Nhà nước cho các dự án phát triển, PPP được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực tăng nợ công của Việt Nam. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, suốt 2 năm soạn thảo dự thảo Nghị định về PPP, Bộ KH&ĐT chịu nhiều sức ép, khi nợ công của Việt Nam ở vào giai đoạn tăng rất nhanh. Hết năm 2012, nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân mới là 50,8%, theo công bố của Bộ Tài chính, thì năm 2013 lên đến 54,2% GDP. Nhưng dự báo vào cuối năm 2014 vừa qua, tỷ lệ này lên tới 60,3% GDP và sẽ tiếp cận trần nợ 65% GDP vào năm 2016, theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2014.
Trong vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, người từng ở vị trí Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu của Bộ này có lẽ sốt ruột hơn cả. Từng thẳng thắn nói về chuyện xin cho, lãng phí trong xây dựng cơ bản đến mong muốn có thêm nguồn lực phát triển hạ tầng từ tư nhân, cách đây vài năm, khi PPP mới ở dạng ý tưởng, ông Đông đã từng chỉnh lại cụm từ này thành “đối tác công tư”, thay vì “hợp tác công tư”.
Ông Đông cho rằng, sự góp vốn của nhà đầu tư là nhằm mục tiêu lợi nhuận, nhưng sản phẩm hình thành là thuộc sở hữu của toàn dân và Nhà nước không phải bỏ nhiều tiền cho nhiệm vụ phát triển với nguồn lực từ ngân sách. Như vậy, với quyền lợi và trách nhiệm của các bên, mối quan hệ này phải được hiểu là bình đẳng giữa các đối tác. Trên quan điểm đó, việc chia sẻ lợi ích hợp lý được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn tư nhân nhanh chóng thay thế vốn đầu tư Nhà nước trong các dự án hạ tầng.
Tuy nhiên, đằng sau đó là rất nhiều vấn đề, không thể xử lý nhanh chóng khi bắt tay vào thực hiện. “Lúc đầu, chúng ta nghĩ đơn thuần PPP là vốn, nên chúng ta hồ hởi đưa ra”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhớ lại. Khi dựng lên bộ khung về dự thảo Nghị định, vấn đề “nan giải” ngày càng lộ diện: PPP đặt ra những yêu cầu về cơ chế chính sách, cụ thể là phải đẩy mạnh cải cách về thể chế, đổi mới đồng bộ từ nhận thức đến hệ thống văn bản… “Nếu chỉ nhìn mỗi vốn thôi thì hẹp, Nghị định ra từ lâu chứ không phải chậm trễ mấy năm nay”, ông Kiên nói.
Lỗ hổng cần trám vá
“Khi mà PPP đi vào triển khai, có thể giảm áp lực nợ công rất lớn, nhưng hơn hết là tác động thay đổi hệ thống cực mạnh”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hiểu rõ lợi ích và khúc mắc trong vấn đề. “Liên quan đến PPP, soạn suốt 2 năm nay, nhưng do vấn đề mới, rất khó, nên bản thân phía đối tác của Việt Nam cũng tranh luận nhiều, không riêng phía Việt Nam”, ông Vinh giải thích. Như vậy, sau khoảng một phần tư thế kỷ được hình thành từ Anh, PPP giờ đây triển khai tại Việt Nam vẫn “vướng trên mắc dưới”.
Chia sẻ lợi ích hợp lý của PPP được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực ngoài xã hội |
Hợp tác công tư, ở góc độ triển khai không phải mới ngay cả với Việt Nam. Theo tiết lộ của ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) về dự thảo Nghị định PPP, các hình thức hợp đồng PPP cụ thể bao gồm: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Xây dựng - Chuyển giao (BT)… Những hình thức nói trên đã từng được triển khai hàng chục năm trước tại Việt Nam, sơ khởi là chủ trương đổi đất lấy hạ tầng như một “quà tặng” cho nhà đầu tư góp tiền triển khai các dự án giao thông; hay hình thành nên các trạm thu phí tại nhiều công trình cầu đường có vốn góp của khu vực ngoài Nhà nước…
Tuy nhiên, gần đây tình trạng nhà đầu tư trả lại dự án BOT diễn ra càng lúc càng nhiều. Cách đây vài năm, nhà đầu tư từng đòi trả lại dự án BOT công trình cầu Phú Mỹ cho TP. Hồ Chí Minh, rồi Tập đoàn Nam Cường từng “đình đám” với việc đòi trả 2 dự án BT xây dựng khu đô thị cho Hà Nội, cùng “góp mặt” còn có các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như Sông Đà, Cienco5…
Chỉ tính riêng Hà Nội, lần rà soát cách đây không lâu với khoảng 100 dự án, UBND thành phố cho biết có ít nhất 24 dự án phải dừng, không triển khai theo hình thức BT, BOT, hoặc chuyển hình thức đầu tư khác… Trong số đó, nhiều dự án có liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư được triển khai các khu đất xây dựng nhà ở, nhưng khi thị trường bất động sản đi xuống, lợi ích của nhà đầu tư không còn dẫn tới chuyện trả lại dự án. Điều đó cho thấy, sự thành bại của dự án PPP còn liên quan đến rủi ro thị trường.
Nhìn từ số liệu thống kê, đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2013, đầu tư của khu vực này chiếm 40,4% tổng đầu tư của toàn xã hội, khu vực FDI chiếm 22% và khu vực ngoài Nhà nước chiếm 37,6%. “Do kinh tế trong nước và kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nên việc xã hội hóa đầu tư công vẫn chưa được đẩy mạnh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Trong khi đó, các vấn đề về thể chế còn tồn tại không ít rào cản. Với quan điểm là đối tác, nhà đầu tư đề nghị được chủ động đưa ra danh mục dự án. Tuy nhiên, điều này chưa được chấp nhận rộng rãi. “Có vấn đề rất nhạy cảm, không thống nhất”, Bộ trưởng Vinh nói. Về đề xuất danh mục đầu tư, theo ông Vinh, cuối cùng cơ quan soạn thảo Nghị định PPP đã nhân nhượng, nhưng chỉ dừng ở việc “chấp nhận có thể cho phép DN tư nhân được tự giới thiệu, đề xuất dự án, ngoài dự án cơ quan Nhà nước đưa ra”.
Hay chuyện đấu thầu cũng có nhiều vướng mắc. Việc đấu thầu qua mạng đã được đề xuất thí điểm từ năm 2010, được cho là tạo tính minh bạch và công bằng hơn cho hoạt động này, nhưng đến nay kết quả chưa rõ ràng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên băn khoăn, với công trình đường quốc lộ chẳng hạn, với dự án PPP cải tạo, nâng cấp thì phần giá trị cốt đường trước đó Nhà nước đã đầu tư được tính toán vào góp vốn thế nào? Hay chỉ tính giá trị vốn góp của nhà đầu tư rồi từ đó lên phương án thu phí…
“PPP làm đúng thì rất có lợi, làm không đúng thì thất thoát tài sản nhà nước chủ yếu cũng ở đó. Nó cũng chỉ như các dự án đầu tư cơ bản, có thể ở nơi nào đó quan hệ tốt, dựng dự án lên, mượn vay rồi thảm đường lên lớp mặt, thu tiền được ngay...”, ông Kiên nói thêm.