Để sánh vai được với các cường quốc năm châu
PGS.TS. Trần Đình Thiên |
Tháng 9 năm 1945, trong bức thư gửi học sinh nhân lễ khai giảng đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã nói đến khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu của dân tộc Việt Nam. Cảm nhận, suy nghĩ của ông về khát vọng mà Bác nói đến?
Lời của Bác thể hiện khí phách của người Việt Nam không chỉ biết có làng ta, tỉnh ta, đất nước ta mà Việt Nam còn có thế giới, Việt Nam độc lập được định vị trên bản đồ thế giới. Khát vọng sánh vai với các cường quốc đặt ra nền tảng tiếp cận khác cho đất nước, đó là phải đi cùng với loài người, không thể thua kém loài người, sánh vai về nhà nước, sánh vai về kinh tế, xã hội...
Chúng ta đang vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vươn tới khát vọng năm 2030 sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Vậy theo ông, hiện chúng ta đã đi được đến đâu?
75 năm qua, nhất là qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã có được những thành công rất ấn tượng và là niềm tự hào. Từ một nước nghèo đói kém phát triển bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên thẳng thắn mà nói sau 35 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang chuyển đổi, chưa có được nền kinh tế thị trường đầy đủ; thị trường vẫn méo mó. Đất nước có nguồn nhân lực tiềm năng nhưng vẫn thiếu nhân lực chất lượng. Hệ thống giáo dục và đào tạo tuy đã qua nhiều năm cải cách nhưng “vẫn dạy học theo kiểu thầy đồ” mà không có được một hệ thống giáo dục sáng tạo. Khoa học và công nghệ vẫn chỉ là “bình hoa” trong chiến lược, trong kế hoạch chứ chưa là trụ chính cho phát triển. Chúng ta có lực lượng DN đông nhưng không mạnh vì hơn 90% DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, số DN lớn, tập đoàn lớn còn quá ít. Nếu Việt Nam có nhiều tỷ phú USD, nhiều DN lớn, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh hơn thì ở thời điểm này, chúng ta có thể nói với nhau nhiều hơn về những thành quả của đất nước, về cơ hội bắt kịp với thế giới.
Vậy theo ông, để đạt được khát vọng vào đúng những mốc thời gian 2030 - 2035 - 2045 đó, chúng ta cần phải làm gì?
Để làm được điều chúng ta muốn, để đạt được khát vọng thì phải nỗ lực; chần chừ, chậm chạp thì cơ hội vuột đi. Để đạt được khát vọng 2035, khát vọng 2045, để sánh vai với các cường quốc năm châu, thì khoa học công nghệ phải là tương lai của đất nước là trụ chính của phát triển; nhân tài là quyết định; DN phải là trụ cột là động lực.
Cuộc CMCN 4.0, kinh tế số đưa cơ hội sánh vai với cường quốc của Việt Nam là không giới hạn. Tuy nhiên bài toán phải giải được của Việt Nam lúc này là năng lực bước vào quỹ đạo công nghệ cao, số hóa... Điều đáng mừng là gần đây cả Nhà nước, xã hội và DN đều có tâm thế và ý thức chuyển đổi số rất lớn và đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ ban đầu; Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số được thúc đẩy. Chính phủ điện tử và kinh doanh điện tử sẽ tạo ra những thay đổi lớn, nhiều loại hình kinh doanh kinh tế số phát triển nhanh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có một lực lượng DN mạnh và liên kết với nhau, kết nối được với DN FDI, kết nối với chuỗi toàn cầu.
Gần đây có tin đồn Samsung sẽ chuyển một phần đáng kể việc sản xuất smartphone sang Ấn Độ. Apple sau khi đã đến tìm hiểu Việt Nam và Ấn Độ thì lại chọn Ấn Độ mà không chọn Việt Nam. Đây có phải là điều đáng tiếc, thưa ông?
Một tập đoàn hàng đầu thế giới nào vào Việt Nam cũng mang nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu họ chỉ mang lắp ráp đến Việt Nam thôi thì cũng không đáng hân hoan quá. Những dự án vừa nói đến chỉ là chiếc đuôi con đại bàng và nếu chỉ là chiếc lông đuôi con đại bàng với những dự án gia công thì không có gì đáng tiếc.
Chúng ta muốn đón đại bàng chứ không phải là nhận chiếc lông đuôi. Để đón đại bàng thì phải hiểu lại cho đúng thế nào là tổ. Tổ không chỉ là đất sạch, là làm nhiều khu công nghiệp và giảm thuế và tăng ưu đãi. Tổ tốt cần nhân lực cao, cần hạ tầng và hạ tầng kết nối logistics tốt. Chi phí logistics cao gấp đôi thế giới như hiện nay thì không được. Tổ còn là thể chế tốt, minh bạch và công khai, không có chi phí cửa sau. Cả nền kinh tế là một vùng để đại bàng đến làm ăn hiệu quả. Bao trùm lên đó là môi trường bình đẳng, thông thoáng. Đại bàng thật sự cần những điều đó chứ không phải họ cần ưu đãi. Vì thế phải cải cách thực sự.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về KT-XH sau 35 năm đổi mới |
Hiện đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, mọi thứ đang chậm lại, đang chững lại. Ông có nghĩ chúng ta sẽ sớm sánh vai được với cường quốc và khát vọng không bị đẩy xa thêm?
Nếu ta nỗ lực cải cách để có thể chế tốt, có môi trường thông thoáng công khai minh bạch, có được lực lượng DN mạnh, và thu hút được tinh hoa người Việt trên toàn cầu và sự ủng hộ của Việt kiều trên toàn thế giới như Bác Hồ khi xưa đã làm để tạo nên sức mạnh Việt Nam thì khát vọng sẽ trong tầm tay. Việt kiều chính là người kết nối, người giới thiệu và thuyết phục về Việt Nam với thế giới. Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực vô cùng quan trọng, theo nghĩa năng lực sáng tạo và khả năng kết nối mạng lưới. Họ chính là những người sẽ kéo các cuộc chơi trí tuệ, kéo thế giới đến Việt Nam.
Rất hay là đúng thời điểm này, Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết trong CPTPP, EVFTA - những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các hiệp định này là trò chơi tự do hóa gần như tuyệt đối, cạnh tranh khắc nghiệt, nhưng chúng ta đã chủ động chọn để chơi, điều này đồng nghĩa với việc thể chế, hệ thống pháp luật, quản trị nhà nước sẽ thay đổi mạnh mẽ theo chuẩn mực cao nhất của thế giới. Những tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cũng sẽ thay đổi, buộc DN phải đầu tư công nghệ, thay đổi cách làm ăn. Các hiệp định này cũng đặt ra những thay đổi theo hướng chuẩn mực cao sẽ tạo cho Việt Nam thế mặc cả trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu như 30 năm trước, chúng ta mong FDI vào thì hiện tại, chúng ta có thể lựa chọn những dự án, nhà đầu tư phát huy lợi thế của Việt Nam, để phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam...
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!