Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành công trung tâm tài chính khu vực
Để cụ thể hoá, Đà Nẵng đã đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi và đặc thù để xây dựng thành công TTTC khu vực. Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ - 2025, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng xoay quanh chủ đề này.
Ông có thể chia sẻ về định hướng chiến lược của Đà Nẵng trong việc xây dựng TTTC quy mô khu vực và những bước tiến đã triển khai thực hiện như thế nào?
Gắn với định hướng xây dựng TTTC quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng vào ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 47-TB/TW đồng ý chủ trương thành lập TTTC khu vực tại Đà Nẵng, đồng thời giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về TTTC để quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình. Về mô hình chung, TTTC Đà Nẵng sẽ là một hệ sinh thái đa thành phần phát triển tập trung theo 3 nhóm dịch vụ:
Thứ nhất, cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như: dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh. Trong đó, có các dịch vụ gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng - được triển khai đầu tiên ở Việt Nam;
Thứ hai, là các dịch vụ Fintech và TechFin như: cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…
Đồng thời, cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, các công ty Fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hoá. Đây là định hướng phát triển cộng hưởng với các nền tảng mà Đà Nẵng đang xây dựng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các cơ chế, chính sách đặc thù mà Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội đã cho phép. Nhất là trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan để phát triển Đà Nẵng theo định hướng TTTC và giải trí thế giới với vị thế TTTC, giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Việc xây dựng và vận hành TTTC khu vực đòi hỏi nhiều thời gian và tài nguyên. Để đạt được hiệu quả cao, Đà Nẵng đã và đang thực hiện những bước đi như thế nào?
Hiện nay, Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất sạch với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết lập khu phức hợp, văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và khu dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu Công viên phần mềm số 2, một trong 3 khu công nghệ thông tin tập trung được Thủ tướng Chính phủ công nhận trên địa bàn thành phố.
Trong dài hạn, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62ha để gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các nhà đầu tư khác vào TTTC Đà Nẵng. Thành phố đã triển khai theo quy hoạch đầu tư các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế có liên quan để hỗ trợ kết nối và vận hành TTTC Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, một số trường đại học trên địa bàn như Đại học Đà Nẵng đã triển khai các chương trình đào tạo mới, chuyên sâu như công nghệ tài chính (Fintech), khoa học dữ liệu, tài chính - ngân hàng, kiểm toán, luật kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng theo 2 chương trình đào tạo trong nước và chuyển tiếp các năm cuối.
Đồng thời, mở rộng đào tạo các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản trị tài chính số tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Trường Đại học Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Hàn… Trên địa bàn còn có 2 trường đại học tư nhân đang tiến hành đổi mới chương trình đào tạo chuyên sâu cho các lĩnh vực trên.
Cùng với đó, Đà Nẵng đang chủ động liên hệ và làm việc với các tổ chức tư vấn, định chế tài chính uy tín trong nước và quốc tế để tham vấn các vấn đề liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển TTTC Đà Nẵng. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW.
Theo ông, đâu là những thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt trong quá trình xây dựng TTTC quy mô khu vực?
Việc cho phép phát triển mô hình TTTC ở Việt Nam là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn cả về yêu cầu hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và cả về mặt quản lý nhà nước để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Như vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt của Trung ương về phương hướng, giải pháp và xây dựng khung pháp lý một cách toàn diện để áp dụng tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.
Ông có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch cụ thể trong tương lai gần để TTTC Đà Nẵng đạt được mục tiêu đã đề ra?
Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác về xây dựng và phát triển TTTC Đà Nẵng do Bí thư Thành uỷ làm Trưởng ban để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo liên ngành của Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, Kế hoạch hành động của Chính phủ;
Đồng thời, sẽ quyết liệt chỉ đạo việc bố trí, huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển TTTC khu vực tại Đà Nẵng, bao gồm việc nghiên cứu xây dựng cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa để thuê các đơn vị tư vấn và chuyên gia trong quá trình xây dựng và vận hành TTTC Đà Nẵng; Chỉ đạo việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ tài chính phục vụ cho nhu cầu của các tổ chức, định chế tài chính trong TTTC Đà Nẵng;
Nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị và quỹ đất để sẵn sàng cho việc phát triển TTTC; Xây dựng kế hoạch truyền thông, mời gọi các định chế tài chính, các tổ chức tài chính quốc tế, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, dịch vụ trong nước và quốc tế tham gia đầu tư và phát triển TTTC Đà Nẵng; Thúc đẩy hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng TTTC và các nội dung công việc có liên quan đến xây dựng và phát triển TTTC Đà Nẵng.
Với những kế hoạch đầy tham vọng như vậy, ông có niềm tin như thế nào vào tương lai của TTTC Đà Nẵng?
Tôi tin rằng với sự quyết tâm và chiến lược rõ ràng, Đà Nẵng hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển TTTC của khu vực. Một số nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đã đánh giá rất cao lợi thế từ vị trí địa chính trị-kinh tế của thành phố.
Nếu tiếp tục duy trì đà phát triển và giải quyết tốt các thách thức, TTTC Đà Nẵng không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho các tổ chức, quỹ tài chính và nhà đầu tư quốc tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế.