Để tài chính vi mô phát triển phù hợp định hướng
5 điều kiện để TCTCVM được cấp phép hoạt động | |
Hỗ trợ tổ chức tài chính vi mô thúc đẩy quản trị và mở rộng dịch vụ | |
Thúc đẩy tài chính vi mô và chiến lược tài chính toàn diện |
NHNN vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (TCVM). Trong đó, các tổ chức TCVM phải đáp ứng đủ 5 điều kiện để được cấp phép hoạt động. Thứ nhất, có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. Thứ hai, có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định tại Thông tư này. Thứ ba, có người quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Thông tư này. Thứ tư, có Điều lệ phù hợp với quy định tại Điều 31 Luật Các TCTD và quy định của pháp luật có liên quan. Và thứ năm, có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu hoạt động. Thông tư cũng quy định rõ các điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức TCVM.
Thực trạng TCVM là cơ sở xây dựng lộ trình phổ cập tài chính quốc gia phù hợp |
Việc xây dựng khung pháp lý phù hợp sẽ tạo cơ chế để thúc đẩy TCVM phát triển rộng khắp. Đề ra những giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động của tổ chức TCVM theo quy định của pháp luật, định hướng cho các tổ chức TCVM phát triển an toàn, bền vững cũng là mục tiêu đặt ra trong Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2195/QĐ-TTg.
Tuy vậy, thúc đẩy và phát triển TCVM trong bối cảnh hiện nay cũng cần có những định hướng rõ ràng. TCVM không chỉ dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ tài chính cho nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp hay DN siêu nhỏ nữa. Một chuyên gia về TCVM chia sẻ: Thực tế, tín dụng vi mô đang vấp phải khó khăn trong việc cung ứng quá mức các khoản vay ngắn hạn và cơ sở hạ tầng tài chính yếu kém. Chính điểm này đã khiến các tổ chức TCVM và các tổ chức quốc tế nhìn nhận lại phạm vi của TCVM và nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong các hoạt động TCVM.
Để một lượng lớn nhóm người yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng hơn thì đi cùng với đó là sự đòi hỏi về việc cung ứng ngày càng nhiều và rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Việc tăng cường cung ứng này có thể tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhóm thu nhập thấp, giảm đói nghèo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. “Nói vậy để thấy, phải xuất phát từ TCVM để tiến tới mục tiêu tài chính toàn diện. Hay ngược lại, muốn thúc đẩy tài chính toàn diện, chúng ta phải làm tốt việc định hướng phát triển cho TCVM”, chuyên gia này cho biết.
Chia sẻ với ý kiến trên, một chuyên gia của IFC cũng khuyến nghị các tổ chức TCVM tại Việt Nam hãy biến kỹ thuật số thành nền tảng hoạt động, theo dõi hành vi khách hàng cũng như để mắt tới đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó đưa ra những tiên đoán các thay đổi trong mô hình kinh doanh của tổ chức mình, tìm hiểu về mô hình kinh doanh của các tổ chức mới tham gia thị trường; đúc kết các bài học về quá trình hợp tác giữa NH và Fintech. Đặc biệt phải luôn quan tâm tới rủi ro hệ thống, bởi các nhà cung cấp TCVM có thể nhận thấy rủi ro tổng hợp của khách hàng gia tăng nếu các nguồn phi truyền thống khác ngày càng trở nên dồi dào và đa dạng hơn.
Trong một nghiên cứu gần đây, Nhóm công tác TCVM Việt Nam chỉ ra xu hướng ứng dụng công nghệ tài chính trong hoạt động TCVM để phục vụ phổ cập tài chính. Như việc công nghệ quản lý thông tin dữ liệu tự động sẽ cung cấp khả năng truy cập và cập nhật thông tin tài khoản khách hàng theo thời gian thực trôi chảy hơn. Hệ thống cũng giúp quản lý và dự báo luồng tiền thuận tiện hơn, hỗ trợ cho hoạt động hạch toán, kế toán và trích xuất báo cáo. Nhóm công tác TCVM Việt Nam cũng nhắc tới công nghệ giao tiếp khách hàng (client-facing technology) cho phép các tổ chức vi mô thu thập thông tin khách hàng dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch với khách hàng vi mô thông qua các kênh thanh toán điện tử/phi tiền mặt như mobile banking, internet banking, ATM/POS… giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh do tác nghiệp thủ công.
Nhìn chung, các tổ chức TCVM tại Việt Nam hiện chưa thực hiện ứng dụng công nghệ tài chính trong các hoạt động của đơn vị mình. Trong đó, ba lý do chính kìm hãm việc ứng dụng công nghệ tài chính của tổ chức TCVM được các chuyên gia chỉ ra, là sự thiếu hụt về nguồn lực (như vốn, cơ sở hạ tầng…), hạn chế về khả năng sử dụng công nghệ của khách hàng, cơ sở pháp lý hiện hành còn nhiều rào cản đối với TCVM.
“Để có thể áp dụng công nghệ vào việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng một cách thuận tiện hơn, giải pháp trọng tâm là hoàn thiện môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi để phát triển ngành TCVM toàn diện, bền vững theo hướng có chính sách ưu đãi về tài chính, môi trường pháp lý cho các nhà cung cấp TCVM. Đi cùng với đó là tăng cường năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý hoạt động TCVM, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ngành TCVM”, một chuyên gia nhấn mạnh.