Để thị trường xăng dầu bớt khó
Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng
Tại cuộc đối thoại giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mới đây, bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cho biết, 2 nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và phần còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do các rủi ro bất khả kháng nên có thời điểm thị trường xăng dầu thiếu cục bộ khoảng 30-40%. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu đang tăng cao, doanh nghiệp đang lỗ lớn nên không thể nhập khẩu xăng dầu về được. Đơn cử, trong quý I, chi phí nhập khẩu là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít và quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, số lỗ này là khoảng 1.100 đồng/lít.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro chia sẻ, kể từ quý III/2022, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nào cũng phải chịu lỗ. Lãi của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng đó. Đến tháng 10 thì doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa.
Nguồn cung xăng dầu nước ngoài về Việt Nam đang rất khó khăn. |
Trước thực tế này, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiến nghị cần rà soát lại chi phí kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Theo đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở, điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng, vượt qua khó khăn. Đồng thời, liên Bộ cần xem xét lại việc định giá cho phù hợp; đồng thời, cần có giải pháp đảm bảo nguồn cung ổn định trong dài hạn để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng, dầu yên tâm cung ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Ngoài việc thua lỗ nặng không thể nhập thêm hàng, nhiều cơ sở bán lẻ xăng, dầu cho biết, nguồn cung còn bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp phân phối chỉ cấp 40-50% sản lượng bán ra mỗi ngày của cây xăng, thậm chí không cấp khiến chuỗi bán lẻ bị gián đoạn, buộc phải bán với số lượng nhỏ giọt. Bên cạnh đó, chiết khấu cũng chỉ là 200-300 đồng/lít nên cửa hàng bán lẻ vẫn lỗ.
Đảm bảo nguồn cung, hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, thời gian gần đây, nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam đang rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp châu Âu mua gom số lượng lớn với giá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ nhiều trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Về chi phí, tại kỳ điều hành gần nhất ngày 11/10, Bộ Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường..
Hiện nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước. Ngày 13/10, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối - là những đơn vị không có hợp đồng dài hạn với nhà máy - bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) nhấn mạnh, để được chấp thuận làm hệ thống phân phối, các doanh nghiệp phải có kho, có dự trữ lưu thông tối thiểu 5 ngày cung ứng... Cùng với đó, cần phải giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, bởi càng nhiều khâu trung gian sẽ càng tăng chi phí, làm đội giá thành xăng dầu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, lượng tồn kho xăng dầu của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn hiện bảo đảm cung ứng và có thể chia sẻ cho các thương nhân phân phối để duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường. |